Dồn điền đổi thửa: Trầm lắng vì lo nợ đọng

01:05, 09/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là bệ phóng cho ngành nông nghiệp, nên nhiều huyện, xã đã đầu tư nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, do kinh phí hỗ trợ chậm, nên các địa phương ngại triển khai DĐĐT, vì lo xảy ra nợ đọng.     

TIN LIÊN QUAN

Giai đoạn 2014-2016, Quảng Ngãi thực hiện DĐĐT gần 2.300ha, với kinh phí hỗ trợ trên 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách chỉ bố trí 22 tỷ đồng, còn nợ trên 23 tỷ đồng. Trong đó,  huyện Bình Sơn nợ gần 8 tỷ, Mộ Đức hơn 7 tỷ, Đức Phổ 5,8 tỷ đồng. Năm 2017, dự kiến tỉnh sẽ DĐĐT gần 2.500ha, với kinh phí đầu tư gần 78 tỷ đồng.

Nhiều lợi ích

Vụ đông xuân năm nay người dân canh tác trên cánh đồng Quần Huân, xã Phổ An (Đức Phổ) tiếp tục gặt “mùa vàng”. “Nhờ DĐĐT nên năng suất lúa đạt cao, mà chi phí lại giảm”, ông Phạm Tấn Quân, khu dân cư Quần Huân phấn khởi nói. Để có được kết quả ấy, trong hai năm 2015-2016, chính quyền xã Phổ An và người dân Quần Huân đã DĐĐT và chỉnh trang 50ha.  

Dồn điền đổi thửa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Dồn điền đổi thửa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất.


Chủ tịch UBND xã Phổ An Nguyễn Tấn Mỹ chia sẻ, DĐĐT và chỉnh trang 50ha tốn khá nhiều chi phí, trong khi nguồn ngân sách xã lại eo hẹp, do vậy khi triển khai, chính quyền địa phương cũng e ngại, vì lo nợ đọng. “Nhưng nhờ UBND huyện kịp thời tạm ứng kinh phí, nên mọi việc mới thông”, ông Mỹ cho biết.

Sau khi DĐĐT, đồng Quần Huân đã thay đổi diện mạo với ruộng lớn, đường to, kênh rộng. Vì vậy, sau ba vụ sản xuất, năng suất lúa trên cánh đồng này cao gấp 1,5-2 lần, trong khi chi phí giảm 30-40%, nhờ ứng dụng cơ giới hóa. Kết quả này giúp phong trào DĐĐT ở huyện Đức Phổ diễn ra nhộn nhịp, quy mô ngày càng mở rộng. Năm 2016, huyện Đức Phổ đã DĐĐT và chỉnh trang gần 400ha, trở thành địa phương có diện tích DĐĐT nhiều nhất tỉnh.

Tại xã Bình Dương (Bình Sơn), cái lợi của DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng ngày càng rõ nét. “Ruộng tập trung, diện tích lớn, nên dễ ứng dụng máy móc, việc chăm sóc cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, chi phí sản xuất giảm nhiều, năng suất lúa lại tăng, giúp nông dân bớt khó”, ông Nguyễn Đạt, thôn Đông Yên 1 cho biết. Vì lẽ đó, trong giai đoạn 2014-2016, phong trào DĐĐT lan tỏa khắp các địa phương trong huyện Bình Sơn. Số diện tích đất sản xuất nông nghiệp được DĐĐT và chỉnh trang vì thế cũng đạt gần 500ha.

...nhưng lo nợ

Thiếu vốn, trong khi ngân sách hỗ trợ lại nợ gần 8 tỷ đồng, vì thế ở huyện Bình Sơn việc DĐĐT diễn ra cầm chừng, thậm chí có nơi tạm gác kế hoạch, dù nhân dân ủng hộ. Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà cho biết, năm 2015-2016, ngân sách tỉnh còn nợ DĐĐT gần 8 tỷ đồng. Vì vậy, kế hoạch DĐĐT, chỉnh trang gần 500ha năm 2017 rất khó hoàn thành, vì các địa phương lo xảy ra nợ đọng, nên ngại thực hiện.

Trong khi đó, tuy mạnh dạn tạm ứng kinh phí để các xã đẩy mạnh công tác DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng, nhưng huyện Đức Phổ cũng khắc khoải lo “nợ cũ chưa dứt, nợ mới phát sinh”. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân cho rằng, nếu tỉnh không sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ năm 2017 cũng như hoàn trả khoản nợ 5,8 tỷ đồng của năm 2015-2016, địa phương sẽ đuối sức.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới đánh giá, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có số tiêu chí bình quân đạt được thấp nhất cả nước. Trong đó, việc DĐĐT còn thấp cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của hàng loạt tiêu chí như, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất...

Nếu không DĐĐT, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân sẽ không được cải thiện, kéo theo phong trào xây dựng nông thôn mới sẽ ách tắc. Tháo gỡ vấn đề này, Phó Chủ tịch Đặng Văn Minh, khẳng định: “Tỉnh sẽ nghiên cứu cân đối và sớm bố trí đủ kinh phí cho công tác DĐĐT. Vì vậy, các địa phương cần mạnh dạn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác DĐĐT”.  


          Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.