Kinh nghiệm dồn điền đổi thửa ở Phổ An

01:09, 26/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phổ An là một trong những xã của huyện Đức Phổ thực hiện khá tốt công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đem lại hiệu quả sản xuất cao và được nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ.

TIN LIÊN QUAN

Phổ An là xã ven biển của huyện Đức Phổ, có diện tích tự nhiên trên 1.800ha, với hơn 13.000 nhân khẩu. Toàn xã có 293ha đất trồng lúa, phân bổ ở 4 thôn, nhưng do địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, nhiều bậc thang, manh mún nên gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác.

Năm 2015, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng giai đoạn 2015-2020, do UBND huyện Đức Phổ giao, xã Phổ An đã chọn xóm Quần Huân (thôn Hội An 1) để triển khai thực hiện thí điểm.

Máy đào đang thực hiện chỉnh trang đồng ruộng để dồn điền đổi thửa tại xóm Quần Huân
Máy đào đang thực hiện chỉnh trang đồng ruộng để dồn điền đổi thửa tại xóm Quần Huân

Xóm Quần Huân có diện tích tự nhiên gần 160ha, với số dân gần 1.200 khẩu, trong đó có khoảng 80% số hộ sống bằng nghề nông, nhưng diện tích đất trồng lúa chỉ có 50ha, với địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, nhiều gò đồi như Gò Voi, Gò Tràm... tạo nên những bậc thang khó sản xuất. Khi thực hiện Nghị định 64/CP, đã phân chia ruộng theo nhiều bậc cao, sâu, xấu, tốt, làm cho mỗi hộ có nhiều thửa manh mún, không liền kề. Giao thông, thủy lợi trên đồng ruộng còn tạm bợ, rất khó đi lại, vận chuyển phục vụ sản xuất và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Phổ An đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa của xã, thống nhất chọn xóm Quần Hân để thực hiện dồn điền đổi thửa với diện tích 50ha trong năm 2015.

UBND xã đã thành lập tổ công tác dồn điền đổi thửa, do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng; đại diện các tổ chức, ban ngành, đoàn thể của xã và các thôn, xóm làm thành viên. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, tổ công tác đã thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp dồn điền đổi thửa như: Khảo sát thực tế và xây dựng phương án, bản vẽ quy hoạch dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; phân lô, đắp bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng; nâng cấp, làm mới hệ thống kênh mương tưới tiêu. Đồng thời tiến hành khảo sát, thống kê lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất, số hộ, số khẩu và các di biến động của các hộ trong xóm; số diện tích thu hồi và đền bù, diện tích đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng... để trừ vào diện tích giao cho các hộ dân ở địa phương.

Sau khi xây dựng dự thảo phương án, bản vẽ quy hoạch dồn điền đổi thửa thì tiến hành thông qua ban chỉ đạo, chi bộ thôn, quân dân chính thôn và cuối cùng là thông qua ý kiến của nhân dân về chủ trương, phương án và bản vẽ quy hoạch dồn điền đổi thửa. Khi được UBND huyện phê duyệt phương án và bản vẽ quy hoạch thì tiến hành cắm mốc, phân lô quy hoạch giao thông, thủy lợi và thuê đơn vị thi công thực hiện các nội dung đã quy hoạch trên đồng ruộng.

Sau khi thực hiện hoàn thành các bước trên đồng ruộng, tiến hành phân hạng ruộng và phân định suất cho từng khẩu, xác định vùng ưu tiên. Xây dựng phương án chia ruộng và quy chế bốc thăm, có tổ chức họp dân lấy ý kiến và thông qua. Sau đó tổ chức bốc thăm, giao ruộng cho nhân dân trên thực địa và thực hiện quy trình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tham gia dồn điền đổi thửa.

Bằng cách làm công khai, dân chủ, chặt chẽ và khoa học như vậy, nên chỉ qua 2 vụ lúa đông xuân 2015 và hè thu 2016 xã Phổ An đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa và chỉnh trang 50ha đồng ruộng tại xóm Quần Huân thành cánh đồng mẫu lớn, đem lại hiệu quả sản xuất cao, được huyện biểu dương và nhân dân trong xã rất đồng tình hưởng ứng, ủng hộ.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm dồn điền đổi thửa, ông Nguyễn Tấn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Phổ An tâm sự: Ngân sách của xã còn hạn chế không thể tự đứng ra thực hiện được, may nhờ có huyện cho ứng trước kinh phí, nên xã mới sớm hoàn thành được công tác dồn điền đổi thửa ở xóm Quần Huân một cách tốt đẹp như vậy.

Nếu muốn đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, mà nguồn kinh phí hỗ trợ với mức 7 triệu đồng/ha theo Quyết định của UBND tỉnh là quá ít, lại thanh toán chậm thì các xã rất khó thực hiện. Do đó, cần có sự điều chỉnh, bổ sung hỗ trợ thêm kinh phí, để các địa phương tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn.
 

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM
 


.