Đầu tư vốn cho nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp sốt sắng, ngân hàng thận trọng

01:06, 22/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao. Vì thế, dù  rất sốt sắng, nhưng các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc thẩm định, giải ngân.

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp cần vốn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã cam kết rót vốn cho lĩnh vực NNCNC. Lãnh đạo các ngân hàng đều bày tỏ sẵn sàng dành những ưu đãi, hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực này. Theo đó, Ngân hàng Bắc Á dành gói tín dụng tới 30 nghìn tỷ đồng; các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, LienVietPostBank... cam kết mỗi ngân hàng giải ngân 10 nghìn tỷ đồng cho NNCNC.

 Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất cần nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất cần nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng.


Agribank được coi là bạn đồng hành của người nông dân và cũng là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất trong nông nghiệp, nông thôn. Từ đầu năm 2017, Agribank Quảng Ngãi đã triển khai gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp sạch. Lãi suất cho vay tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào– sản xuất – tiêu thụ. Khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường.

Hiện trên địa bàn Quảng Ngãi đang có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực NNCNC. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như chính sách cho thuê đất đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công ty TNHH  Nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát (Mộ Đức), cho biết: “Một trong những ưu tiên hàng đầu khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là quỹ đất; đặc biệt là NNCNC thì chất đất càng quan trọng. Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, tôi đã đi hỏi thuê đất ở một số nơi, nhưng mãi vẫn chưa thuê được. Không có đất thì làm sao vay được vốn ngân hàng”.

Còn ông Trần Ngọc Âu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe cho rằng, nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, trong đó có nguồn vốn vay ưu đãi qua các ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Trong khi đầu tư vào lĩnh vực NNCNC đòi hỏi vốn rất lớn. Vì vậy, nếu không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, các doanh nghiệp rất khó có cơ hội để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Vẫn còn nhiều vướng mắc   
                 
Phát triển NNCNC là lối ra và là giải pháp để nông nghiệp bứt phá. Song, hiện nay, việc cho vay đối với lĩnh vực NNCNC gặp một số khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, vấn đề tài sản bảo đảm đóng vai trò quan trọng. Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng vẫn là vướng mắc lớn.

Ngoài ra, theo lãnh đạo các ngân hàng thì việc đầu tư cho NNCNC thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài, nên vấn đề định hướng phát triển cho lĩnh vực này phải đi cùng với việc đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu để việc đầu tư tín dụng hiệu quả. Đồng thời, cho vay NNCNC cũng đang gặp vướng mắc như công tác quy hoạch còn manh mún, lo ngại phát triển NNCNC mang tính chất tự phát nhiều...

Bên cạnh đó, trong sản xuất NNCNC thường có diện tích đất lớn, nhưng ở một số địa phương, đất tính theo giá của UBND tỉnh quy định ở mức thấp, nên mức cho vay không cao. Mặt khác, dù dự án NNCNC có vốn đầu tư cho nhà kính lưới, thiết bị công nghệ cao lớn, nhưng không may gặp rủi ro, toàn bộ tài sản này thanh lý chỉ có thể tính giá như bán sắt vụn...

Chính phủ đặc biệt quan tâm đầu tư cho NNCNC. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai còn nhiều điểm “nghẽn”. Người dân khó khăn trong tiếp cận chính sách. Do đó, thời gian đến, các cấp, ngành, nhất là các địa phương cần tạo điều kiện về quỹ đất. Còn về phía ngân hàng cần hướng dẫn và xem xét giải ngân theo khả năng để các doanh nghiệp thuận lợi đầu tư phát triển NNCNC.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.