Dồn nguồn lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

10:03, 10/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ. 

 

Sử dụng công nghệ SmartAgri trong trồng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo QĐND
Sử dụng công nghệ SmartAgri trong trồng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo QĐND

 

Trong điều kiện tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với quy định gỡ bỏ hàng rào thuế quan về 0% theo lộ trình đối với các sản phẩm nông nghiệp, thì nền nông nghiệp truyền thống của nước ta sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất. Do đó hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao – mô hình phát triển này đã và đang mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn.

 
Các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi ha trồng cà chua cho ra 250 – 300 tấn/ năm, trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20 – 30 tấn/ha/năm.  Cũng như vậy, một ha trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho khoảng 1 triệu cành với doanh thu từ 50 – 70 triệu đồng/ha/năm thì ở Israel con số tương ứng là 15 triệu cành chất lượng đồng đều và hiển nhiên doanh thu cũng cao hơn.
 
Không những vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ cao còn giúp nhà sản xuất tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và do đó góp phần bảo vệ môi trường. Chính những lợi ích như vậy mà sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp thế kỷ XXI.
 
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2017 của Chính phủ cũng nêu rõ các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Cụ thể, để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, ban hành trước ngày 15/3/2017. 
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tháng 3 năm 2017.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017.
 
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3 năm 2017.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về công nghệ cao theo hướng phù hợp với thực tiễn, có tính đến đặc thù của ngành nông nghiệp. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường; tích cực đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
 
Đặc biệt, theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai chương trình tín dụng này.
 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
 
Theo Quyết định, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 8 khu đã được thành lập. Cụ thể, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ.
H.Thịnh

.