Ruộng đồng trong cơn “khát”

02:06, 18/06/2013
.

(QNg)-  Nơi chưa xuống giống thì ruộng chẳng khác gì sa mạc. Cây cỏ bị nắng làm cho khô quắt. Chỗ gieo sạ rồi thì mặt ruộng nứt toác. Lúa không nảy mầm, phát triển, thậm chí chết héo. Đó là thảm cảnh mà cây lúa đang phải đối mặt khi mà tình trạng nắng nóng bắt đầu bước vào mùa cao điểm.

TIN LIÊN QUAN


Ruộng như sa mạc

Đi dọc theo Quốc lộ 1, đoạn qua xã Phổ Vinh, Phổ Cường (Đức Phổ), sẽ bắt gặp hình ảnh đàn bò nhởn nhơ trên nhiều cánh đồng, rộng tít tắp. Trước đó vài tháng, nơi đây là cánh đồng lúa xanh rì. Sự đổi ngôi này thoạt trông có vẻ lạ. Nhưng, nếu nhìn kỹ, không khó để nhận ra một điều: Mặt ruộng bây giờ cứng như đá, khô trụi; còn kênh mương chạy quanh thì phơi đáy. Vì thế đàn bò không tìm đâu ra một ngọn cỏ xanh hay bất kỳ chỗ nước nào giữa cái nắng nóng như đổ lửa. Lão nông Trần Đình Hùng ở xã Phổ Vinh  bảo rằng, mọi năm, dù hạn hán nhưng nhiều đám ruộng ở đây vẫn còn chút ít nước, giúp cây lúa nảy mầm. Vậy mà năm nay, lúa chết ngay từ đầu vụ khiến ông cũng như nông dân ở đây chỉ biết thở dài. “2 sào ruộng này tệ lắm cũng cho được 10 bao lúa khô, đủ vợ chồng tui ăn được hơn nửa năm. Giờ nó hóa đá thế này, xót lắm!”, ông Hùng nói như than.

 

 Nhiều cánh đồng ở Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa bị thối giống sau 3 - 7 ngày gieo sạ.
Nhiều cánh đồng ở Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa bị thối giống sau 3 - 7 ngày gieo sạ.


Còn tại huyện miền núi Minh Long, tình trạng “ruộng như sa mạc” cũng xảy ra rải rác ở hầu hết các địa phương và tập trung ở xã Long Mai với 2,5 ha ruộng phải bỏ hoang trong vụ này vì hiện tại, nước ở các đập bổi đã cạn kiệt. Trong khi đó, dù mỗi chiều trời có mưa giông, nhưng theo bà con nơi đây thì lượng nước này mới chỉ làm ướt đất chứ chưa đủ “nuôi” sống cây lúa, cây đậu. “Nắng nóng dữ quá nên đất cứng lắm. Nếu mưa nhỏ, rải rác như thế này thì chẳng thấm vào đâu cả”, vừa nói, anh Đinh Văn Hìa ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai vừa chỉ vào đám ruộng lớn đang khô quắt.

Khoắc khoải chờ mưa

Trong khi trên nhiều cánh đồng lúa đang chết vì thiếu nước, thì hàng loạt diện tích vừa mới xuống giống cũng sống trong cảnh… ngoắc ngoải vì “khát” hoặc nước nhiễm mặn. Đơn cử như ở một số cánh đồng của xã Phổ Thuận (Đức Phổ), nắng nóng khiến mặt ruộng bị nứt toác, mạ non cháy vàng nên nông dân phải bón các loại phân rác, bã đậu phụng để giữ ẩm cho đất. “Nhưng cách này cũng chỉ giúp lúa non cầm cự được vài ngày thôi. Nếu trời vẫn không mưa thì chắc chắn nó chết”, ông Lê Văn Nam ở xã Phổ Thuận chia sẻ.

Còn tại cánh đồng Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), hiện tại nông dân đang khốn khổ vì giống thối, mạ chết sau 3 - 7 ngày gieo sạ. Lý giải hiện tượng này, lão nông Nguyễn Lai cho rằng, đất ở đây vốn bị phèn nên khi “tưới” nước bị nhiễm mặn, giống   bị thối, không nảy mầm. Còn mạ chết là do nắng nóng liên tục, lại không có nước nên nó ngả vàng rồi rụi dần. Đã thế, bèo lục bình phủ kín tuyến kênh 26.3 khiến việc tưới tiêu (dẫn nước từ đập Hiền Lương) phục vụ sản xuất gần như bị vô hiệu.

Hiện tượng thiếu nước không chỉ diễn ra ở các địa phương trên, mà một lượng lớn diện tích lúa trong tỉnh cũng đang kêu cứu. Bởi, khô hạn đã biến ruộng thành đất chết và làm ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” cây lúa. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ở những chân ruộng mất nước, bà con nông dân tuyệt đối không được bón phân hay phun thuốc, tránh việc “tiền mất mà lúa vẫn chết non”. Cách duy nhất để giúp lúa "thoát hiểm" là nông dân cần tuân thủ việc bón phân cân đối và bón sớm khi ruộng vẫn còn ướt. Đồng thời tiết kiệm tối đa nguồn nước có được nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại không đáng có do hạn hán gây ra.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.