Quảng Ngãi đối mặt với khô hạn gay gắt

02:05, 21/05/2013
.

(QNĐT)- Nông dân Quảng Ngãi hiện đang tiến hành xuống giống vụ hè thu 2013. Theo kế hoạch, diện tích lúa gieo sạ của toàn tỉnh là 33.174 ha lúa, 4.559 ha ngô, 6.333 ha rau đậu các loại và 1.675 ha lạc. Tuy nhiên, với tình hình nắng nóng như hiện nay, Quảng Ngãi đang đối mặt với tình trạng khô hạn gay gắt nhất từ trước đến nay.

TIN LIÊN QUAN


Hồ chứa nước cạn kiệt

Ông Nguyễn Nhung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, cho biết, chưa bao giờ khô hạn nặng như năm nay, nhiều hồ chứa nước đang xuống thấp khiến cho công tác điều tiết nước gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong đó 17 hồ chứa nước do công ty quản lý hầu như đã xuống thấp, nhiều hồ chỉ chỉ đạt từ 35-40% so với dung tích thiết kế.

Trong đó hồ chứa nước Liệt Sơn, ở Phổ Hòa, huyện Đức Phổ có dung tích trên 28 triệu m3, hiện chỉ còn chưa tới 40% dung tích; hồ Di Lăng, dung tích 9 triệu m3 hiện chỉ còn chưa tới 30% dung tích. Đặc biệt, tại công trình Thạch Nham, lưu lượng nước đến hiện chỉ đạt 60% so cùng kỳ năm ngoái. Trong vụ hè thu này, công ty có trách nhiệm tưới 21.000 ha diện tích cây trồng, tuy nhiên với tình hình như trên thì nhiều khả năng đến giữa vụ là khó khăn về nguồn nước tưới.  

 

Hồ chứa nước Liệt Sơn chỉ còn chưa tới 40% dung tích.
Hồ chứa nước Liệt Sơn chỉ còn chưa tới 40% dung tích.


Không chỉ khô hạn, mà tình trạng xâm nhập mặn cũng như tình trạng thất thoát nước do việc xuống cấp của các công trình thuỷ lợi  cũng đang “đe dọa” trực tiếp đến hàng ngàn ha lúa, cây trồng các loại trong vụ hè thu này. Theo Sở NN&PTNT thời gian qua, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi, tuyến kênh dẫn nước tưới, thế nhưng do phần lớn các công trình này đều đã xây dựng từ khá lâu, nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nhất là sau mùa mưa lũ… Đây cũng là nguyên nhân làm thất thoát nguồn nước tưới, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.  

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 619 công trình thủy lợi (trong đó có 117 hồ đập và 369 đập dâng, 106 trạm bơm) phục vụ tưới và cấp nước cho hàng ngàn ha đất sản xuất và nhiều công trình, ngành nghề khác nhau… Theo thiết kế tổng diện tích tưới của các công trình này là trên 90.671 ha, thế nhưng thực tế diện tích tưới chỉ đạt hơn 59.000 ha, trong đó đảm bảo nguồn nước tưới cho 37.000 ha lúa đông xuân, 32.000 ha lúa hè thu và trên 15.000 ha đất canh tác các loại rau, màu.

Ngoài ra, theo thiết kế, vùng tưới của Công trình thủy lợi Thạch Nham là 50.000 ha, thế nhưng hiện chỉ tưới được 25.000 ha. Nguyên nhân do các đoạn kênh chính Nam, chính Bắc đi qua vùng cao lanh, cát chảy nên nền đất mềm, thường xuyên bị bồi lấp làm hạn chế khả năng tưới và thường bị sạt, trượt mái gây vỡ kênh. Các cầu máng, xi phông nằm trong vùng lũ quét, các đập điều tiết tưới tiêu ngăn mặn, giữ ngọt thường xuyên bị bèo, vật cản mắc... điều này vào không chỉ làm mất an toàn cho công trình mà làm giảm khả năng tưới tiêu.

 

Khô hạn đã khiến nhiều diện tích lúa khả năng mất trắng (
Thiếu nước tưới đã khiến cho nhiều hecta lúa ở các xã khu tây Sơn Tịnh chết khô.


Một con số thống kê nữa cho thấy, trong số 619 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác thì có khoảng 230 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước, nhưng do đầu tư không đồng bộ và thi công thủ công nên có tới 108 công trình xuống cấp, hư hỏng. Trong đó có 32 công trình chứa nước bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ thiếu nước tưới, mà tình trạng xâm nhập mặn cũng đang đe dọa hàng trăm ha lúa của người dân ở các vùng hạ lưu. Ông Lê Minh Chính- Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Bình Sơn cho biết, trong những năm qua, không chỉ thiếu nước sản xuất mà tình trạng xâm nhập mặn diễn ra rất gay gắt. Trước tình trạng trên, xã đã huy động nhân dân đóng góp tiền, công sức để xây dựng đập ngăn mặn. Đập ngăn mặn này đã cứu hàng trăm ha lúa và cây trồng trên địa bàn xã Bình Dương và Bình Thới.

Chủ động chống hạn

Với tình trạng nắng nóng như hiện nay, nhiều hồ đập thiếu nước, khả năng khô hạn trong vụ hè thu là điều không thể trách khỏi. Theo nhận định toàn tỉnh sẽ có 26.365 ha bị hạn, trong đó có trên 17.000 ha lúa và 9.200 ha cây trồng khác. Trên 43.000 người thiếu nước sinh hoạt và .trên 38.800 con vật nuôi thiếu nước uống.

Trước tình trạng khô hạn như trên, hiện nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp để phòng chống hạn cho cây trồng. Ông Nguyễn Quang Trung- Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn cho biết, do địa hình xã Bình Mỹ cao hơn so với các địa phương khác nên nguồn nước Thạch Nham về rất yếu. Xã  đã yêu cầu nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng không chủ động nước tưới sang cây trồng khác, trong đó chuyển đổi trên 10 ha lúa sang cây rau màu. Ngoài ra, xã cũng huy động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương và các ao hồ nhỏ để tận dụng nước phục vụ sản xuất.

 

Người dân xã Bình Dương đã chủ động xây dựng xây đập ngăn mặn để cứu hàng trăm ha lúa, hoa màu khỏi khô hạn và nhiễm mặn.
Người dân xã Bình Dương đã chủ động xây dựng xây đập ngăn mặn để cứu hàng trăm ha lúa, hoa màu khỏi khô hạn và nhiễm mặn.

Theo ông Nguyễn Mậu Văn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Trước tình hình khô hạn trong vụ hè thu và cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngành NN&PTNT đã chỉ đạo các các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn. Cụ thể như quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có trên địa bàn, kiểm tra rò rỉ, thất thoát nước từ các hồ chứa.

Cần tiết kiệm nước trong quản lý và biện pháp tưới, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, các cửa dẫn nước, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đồng thời tuyên truyền người dân triển khai tưới tiết kiệm, đồng thời bơm tát nước từ dung tích chết của các hồ chứa nước, nước hồi quy ở các ao hồ, kênh chìm, kênh tiêu…

Cũng theo ông Nguyễn Mậu Văn, trước tình hình khó khăn nguồn nước tưới như hiện nay, đối với những vùng thường xuyên xảy ra khô hạn, vùng có chân ruộng cao, vùng nằm ở cuối kênh cần phải chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ cho phù hợp để không xảy ra thiệt hại do khô hạn.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn

 


.