Bỗng dưng... mất ruộng

08:06, 05/06/2013
.

(QNg)- Trong khi nông dân tỉnh nhà được hưởng lợi từ đập thủy lợi Thạch Nham thì người dân sống ngay tại khu vực lòng hồ của con đập (xã Sơn Nham, Sơn Hà) lại rơi vào tình cảnh khốn khó khi hàng chục ha đất ruộng không thể gieo sạ được do bị cát phủ dày.

TIN LIÊN QUAN


 Hơn 10 năm nay, khoảng 30 ha đất nông nghiệp nằm dọc theo vùng lòng hồ của đập đầu mối Thạch Nham bị cát phủ lấp cao đến cả mét. Trong đó, vùng bị bồi lấp nặng nhất là xứ đồng Đồng Hòa, thôn Bầu Sơn (hơn 10ha), đồng Xóm Hú, thôn Xà Riêng (gần 7ha)…

 

 Ruộng bị cát bồi lấp dày cả mét nên không thể gieo sạ được.
Ruộng bị cát bồi lấp dày cả mét nên không thể gieo sạ được.


Trước tình trạng bồi lấp trên, thời gian đầu, người dân địa phương còn nỗ lực cải tạo nhằm “cứu” đất. Tuy nhiên, khi diện tích bồi lấp ngày càng tăng và  hầu hết đều bồi lấp từ 1-1,5 m thì nông dân không còn “sức” để nạo vét nên đành bỏ mặc. Ông Đinh Khiều, một hộ dân sống tại thôn Cận Sơn, xã Sơn Nham giãi bày, nhiều năm nay, mặc dù gia đình ông đã cố gắng cứu 3 sào đất nông nghiệp bị bồi lấp, nhưng vì cát phủ quá dày nên đành lực bất tòng tâm. Được biết,  gia đình ông có 6 người nhưng giờ chỉ còn lại 1 sào ruộng có thể gieo sạ được. Vì thế ông phải chật vật xoay xở mới có thể mua đủ gạo cho cả 6 miệng ăn.

Không đành lòng nhìn đồng ruộng bị bỏ hoang, nhiều nông dân nỗ lực lựa chọn cây trồng phù hợp với nền đất cát  để “vớt vát”. Nhưng vì  ruộng lúa bị bồi lấp vào mùa nắng, còn mùa mưa thì nước đập dâng cao nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân chẳng hề dễ.  Ông Đinh Véo, một trong những hộ tận dụng lại ruộng bồi lấp để trồng mì bộc bạch: “Trồng lúa, mỗi năm có thể làm nhiều vụ nên né được những lúc nước đập dâng.  Còn trồng mì thì tháng 11 trồng,  đến tháng 10 năm sau mới thu hoạch được. Nhưng tầm tháng 9 là đập đã dâng nước. Vì thế, mới tháng 8 là chúng tôi phải nhổ mì. Biết là làm thế thì năng suất không cao, nhưng dù sao vẫn còn hơn là bỏ hoang ruộng”.

Theo các hộ dân nơi đây, ngoài cây bắp và mì ra, nhiều người đã thử trồng đậu phộng để tận dụng ưu thế về thời gian sinh trưởng, nhưng trồng đợt nào cây cũng héo rũ khi vừa nảy mầm.

Nỗi khổ cát bồi lấp không phải chỉ của riêng những người dân có ruộng nằm trong khu vực cát xâm lấn, mà những hộ dân canh tác ở khu vực lân cận cũng bị khổ lây. Bởi vào mỗi vụ mùa, các hộ dân này phải đầu tư  khá nhiều công sức để đào  mương dẫn nước xuyên qua vùng cát bồi chỗ lồi chỗ lõm. Thêm vào đó, chỉ cần qua mùa mưa là hệ thống tưới tiêu này lại bị nước phá hỏng nên năm nào người dân cũng phải tự bỏ sức người, sức của ra để làm.

Trước tình trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, bà Lê Thị Thanh  Điểm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham mong mỏi:  “Cấp trên cầm sớm xem xét và nhanh chóng tiến hành nạo vét lòng hồ của đập Thạch Nham nhằm “cứu” diện tích ruộng bị cát bồi lấp để người dân có thể sản xuất trở lại”.        

      

Bài, ảnh: Ý THU
 


.