Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Minh Long

03:11, 05/11/2012
.

(QNg)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) hứa hẹn sẽ tạo "lực" để huyện miền núi Minh Long vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên sau gần 2 năm triển khai thực hiện, địa phương này vẫn đang loay hoay thực hiện các tiêu chí...

TIN LIÊN QUAN


Đến giờ, huyện Minh Long vẫn chưa có xã nào đạt quá 3/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí chuẩn NTM. Riêng xã điểm Long Sơn, dù đã được huyện ưu tiên và tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng hiện công tác xây dựng NTM ở địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều tiêu chí khó đạt

Là địa phương được huyện Minh Long chọn thí điểm xây dựng NTM, nhưng hiện hộ nghèo của xã Long Sơn vẫn còn ở mức 42%, thu nhập bình quân chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, hệ thống hạ tầng cơ sở thì ngổn ngang vì… thiếu vốn! Điển hình như giao thông nông thôn, toàn xã hiện còn hơn 35 km đường chưa được bê tông, cấp phối; chưa kể hàng loạt tuyến đường đã được cứng hóa nhưng kích thước… nhỏ, không đảm bảo theo tiêu chí NTM là rộng hơn 3,5m.

Dịch chuyển cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp từ tỷ lệ hơn 80% về mức 35% đang là một thách thức lớn với huyện miền núi Minh Long trong tiến trình xây dựng NTM. (Trong ảnh: Người dân chăm sóc đàn heo tại gia đình).
Dịch chuyển cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp từ tỷ lệ hơn 80% về mức 35% đang là một thách thức lớn với huyện miền núi Minh Long trong tiến trình xây dựng NTM. (Trong ảnh: Người dân chăm sóc đàn heo tại gia đình).


Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Cư - Chủ tịch UBND xã Long Sơn thì: Đối với các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, các công trình dân sinh dù khó thực hiện, nhưng vẫn có khả năng hoàn thành theo tiến độ nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn kịp thời. Nhưng tiêu chí "gay" nhất chính là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5% và dịch chuyển cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp về mức 35%. Bởi lẽ, ở các xã miền núi như Long Sơn thì ngoài sản xuất nông, lâm nghiệp, người dân chẳng biết bám víu vào đâu để "vực" kinh tế phát triển trong khi ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp không có, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng không. "Vậy thì lấy gì để chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập", ông Cư lo lắng.

Không riêng gì Long Sơn, ngay xã Long Hiệp - trung tâm của huyện Minh Long cũng đang loay hoay tìm giải pháp để gỡ "nút" cho hàng loạt tiêu chí nếu muốn đạt chuẩn NTM. Cụ thể, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất nghe có vẻ "dễ chịu" khi chỉ yêu cầu các xã phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả. Nhưng xét cho kỹ thì đây lại là thách thức lớn của cả các xã miền núi lẫn đồng bằng. Bởi hiện nay, hầu hết các tổ hợp tác hay HTX đều đang… thoi thóp, hoạt động cầm chừng và kém hiệu quả. "Còn với Long Hiệp thì từ trước đến giờ, chưa hề có các hình thức sản xuất này. Ngay cả việc xây dựng trang trại cũng gặp nhiều khó khăn vì quỹ đất eo hẹp, người dân hạn chế về trình độ và kiến thức nên muốn triển khai cũng rất khó", ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Long Hiệp bộc bạch.

Bên cạnh các tiêu chí khó như trên thì còn nhiều tiêu chí làm đau đầu chính quyền các địa phương như: Quy hoạch chỉnh trang khu vực sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
   
Sức dân yếu, lấy gì "khoan"?

Quả thật, việc xây dựng NTM ở hầu hết các địa phương đều phải tập trung "khoan" sức dân bởi người dân có vai trò rất lớn, quyết định đến tiến độ hoàn thành của chương trình này. Thế nên, theo ông Võ Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long thì: "Người dân miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc nên ý thức và kiến thức sản xuất còn rất hạn chế. Do đó, chỉ khi nào họ tự cải thiện và nâng cao đời sống thì lúc đó, mới mong đến chuyện NTM". Bởi theo ông Tiến, không riêng gì Minh Long mà hầu như ở các huyện miền núi khác, Nhà nước còn phải lo cái ăn, dựng nhà cho người dân thì việc vận động họ đóng góp để xây dựng NTM quả là xa vời. "NTM là để phục vụ lợi ích cho nhân dân nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận và làm rõ vấn đề: Người dân chưa đủ tiền lo bữa ăn hàng ngày thì lấy gì đóng góp cho NTM?", ông Tiến khẳng định.

Cụ thể như ở Minh Long, tỷ lệ hộ nghèo hiện xấp xỉ 52% (theo chuẩn nghèo mới), hầu hết người dân sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp nên thu nhập còn rất thấp (dưới 9 triệu đồng/người/năm). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã thấy, địa phương này rất khó có thể dựa vào sức dân trong việc xây dựng NTM. Ngay như ở Long Sơn, xã có tiếng huy động hiệu quả sự đóng góp của người dân giờ cũng khó. Bởi "dù dân đồng tình với chương trình NTM nhưng lực bất tòng tâm. Vậy nên, họ chỉ có thể ủng hộ chủ trương bằng cách hiến đất để làm đường giao thông, còn các khoản khác thì… chịu", Chủ tịch UBND xã Long Sơn Võ Văn Cư cho hay.

Cùng với sức dân "yếu" thì huyện Minh Long lại "vắng bóng" các doanh nghiệp (DN) nên phần vốn huy động từ kênh này hạn hẹp, khiến cho nguồn lực xây dựng NTM đã yếu lại càng yếu hơn. "Vì vậy, lộ trình xây dựng NTM của địa phương vẫn phải chọn lối đi… từ dân. Trước mắt phải tạo "sức" cho dân bằng cách cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Muốn vậy phải tạo bước đột phá về tập quán và ý thức sản xuất, nhất là chọn lọc và đưa vào sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp", ông Võ Đình Tiến khẳng định.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.