Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

10:10, 05/10/2012
.

(QNg)- Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/11/2009 tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg (sau đây gọi là Đề án 1956). Cùng với cả nước, chương trình này đã và đang mang lại cơ hội học nghề cho lao động nông thôn Quảng Ngãi, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

TIN LIÊN QUAN


Triển khai Đề án 1956, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1662 ngày 11/11/2011 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi". Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2011-2020 là đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 188.000 người. Để thực hiện mục tiêu này, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai khá đa dạng.

Đào tạo theo địa chỉ là vấn đề mà nhiều lao động nông thôn quan tâm.
Đào tạo theo địa chỉ là vấn đề mà nhiều lao động nông thôn quan tâm.


Đó là: Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; triển khai các mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn; điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó là tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề công lập; phát triển chương trình, giáo trình và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên; hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và hoạt động giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đề án.

Việc mở rộng và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Một vấn đề quan trọng đối với mục tiêu của chương trình đó là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức xã, thị trấn đủ tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức, đủ trình độ, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở xã, thị trấn, phục vụ cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua 2 năm thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh, Quảng Ngãi đã đào tạo nghề cho 7.160 người. Trong đó, lao động nông thôn thuộc diện chính sách ưu đãi có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác hơn 2.000 lao động. Lao động nông thôn được đào tạo ngành nghề liên quan đến nông nghiệp chiếm hơn 33% và phi nông nghiệp trên 66%.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh, trong 2 năm qua các cấp chính quyền địa phương, các ngành và người dân đã có chuyển biến về nhận thức trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động được các nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác đào tạo nghề và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề. Đặc biệt, các huyện Sơn Hà, Đức Phổ đã chủ động làm tốt công tác điều tra, khảo sát sơ bộ tình hình lao động nông thôn trên địa bàn huyện, tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương. Điều đáng mừng là, dù mới triển khai nhưng tỷ lệ lao động học nghề gắn với tự tạo việc làm và tìm được việc làm mới đạt từ 60 đến 70%. Nhiều hộ gia đình có người học nghề đã có việc làm, không ít lao động nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, làm các nghề phi nông nghiệp, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Theo kế hoạch, trong năm 2012, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề từ ngân sách nhà nước cho 7.600 lao động nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các chính sách khác và chủ trương xã hội hóa với khoảng 9.300 người. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề tối thiểu là 70%. Ngoài ra, tỉnh còn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý cho 3.000 lượt cán bộ, công chức xã... Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, gắn kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn với xây dựng nông thôn mới.


Bài, ảnh: Linh Kha
 


.