Mô hình HTX kiểu mẫu cho nông thôn mới

10:05, 12/05/2012
.

(QNg)- Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định triển khai dự án xây dựng mô hình Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp- nông thôn Tịnh Trà (gọi tắt là HTX Tịnh Trà). Đây được xem là HTX kiểu mẫu ở Quảng Ngãi, đáp ứng tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).  


Tịnh Trà là một xã thuần nông, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Sau 15 năm thực hiện Luật HTX, Tịnh Trà vẫn tồn tại 4 HTX quy mô thôn và hoạt động không hiệu quả. Trước yêu cầu phát triển toàn diện của địa phương, Đảng bộ xã Tịnh Trà đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn. Ông Huỳnh Ngọc Nhẫn- Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Trà, cho biết: "Phát triển HTX là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Nhưng thời gian qua, các HTX trên địa bàn xã hoạt động yếu kém đã khiến các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải "soi lại mình".

Thành lập các tổ sản xuất chăn nuôi heo sẽ giúp các xã viên HTX Tịnh Trà gắn kết với doanh nghiệp.
Thành lập các tổ sản xuất chăn nuôi heo sẽ giúp các xã viên HTX Tịnh Trà gắn kết với doanh nghiệp.

Tịnh Trà là địa phương duy nhất trong tỉnh có hẳn Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế HTX. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã cùng phân tích đưa ra những nguyên nhân khiến HTX vẫn còn èo uột, không đáp ứng kỳ vọng của xã viên. Mà nguyên nhân quan trọng nhất là chưa huy động được tất cả các nguồn lực hiện có trên địa bàn xã; cán bộ, đảng viên và xã viên vẫn còn mơ hồ về HTX. Do đó, việc nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý, xã viên sẽ được làm thường xuyên và có trọng tâm, trọng điểm".

Để dự án HTX Tịnh Trà đi vào hoạt động, giải pháp về nguồn vốn, quản lý vốn cũng  được địa phương tập trung huy động. Theo đó, tổng nguồn vốn sẽ đạt 8 tỷ đồng, trong đó, vốn của xã viên và các HTX (cũ) để lại khoảng 3,2 tỷ đồng; vốn sự nghiệp khoa học 2,4 tỷ đồng; vốn địa phương từ 1- 1,5 tỷ đồng; vốn đào tạo nghề cho lao động nông thôn (của Sở LĐTBXH) hơn 600 triệu đồng; vốn của Liên minh HTX xấp xỉ 150 triệu đồng và từ đóng góp của doanh nghiệp gần 150 triệu đồng. Các nguồn vốn này sẽ dành cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất... cho HTX.

Thông qua việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới, xã viên và người lao động có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất; tự nguyện góp vốn, góp sức lao động, trí tuệ và kinh nghiệm kinh doanh tham gia vào HTX. HTX Tịnh Trà có sự tham gia của trên 500 xã viên và họ phải đóng góp cổ phần cho HTX hoạt động, mỗi cổ phần là 1,5 triệu đồng. Riêng các xã viên tham gia sản xuất lúa giống, buôn bán trong chợ... đóng thêm cổ phần từ 1 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, tư liệu sản xuất của HTX là sở hữu chung của HTX và sở hữu cổ phần của xã viên. Do đó, xã viên được chia lãi hằng năm, cũng như sẽ được hoàn trả lại kinh phí đóng góp khi muốn ra khỏi HTX.

Thạc sĩ Phan Tấn Hiếu- Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh), phân tích: Do mỗi xã viên đều là người chủ sở hữu và đều là khách hàng của HTX, nên nguyên tắc quản lý HTX là dân chủ, mỗi xã viên có một phiếu biểu quyết như nhau không phụ thuộc vào số lượng góp vốn. Có thể trước khi vào HTX chỉ cần một lượng vốn rất nhỏ, để tạo ra việc làm cần thiết và tự bảo vệ nhau là chính, để khỏi bị các thành phần kinh tế khác lấn ép. Mục tiêu ấy là quan trọng, chứ không phải làm thật nhiều tiền mới là quan trọng. Muốn thực hiện được điều đó, xã viên phải được tham gia sinh hoạt, phải ra quyết định cuối cùng về những vấn đề quan trọng nhất của HTX, như vấn đề kinh doanh, đầu tư vào cái gì và phân phối lợi ích ra sao.

Các HTX "kiểu cũ" thường hoạt động không hiệu quả do chưa tạo được công ăn việc làm và phát triển kinh tế gia đình cho xã viên. Vì vậy, đổi mới phương pháp sản xuất, kinh doanh được HTX Tịnh Trà xem là khâu quyết định đến sự "thành- bại" của HTX. Trong quá trình hoạt động, HTX Tịnh Trà sẽ tổ chức nhiều dịch vụ nhằm phục vụ xã viên, cùng với nhiều dịch vụ mới như quản lý và kinh doanh chợ, xây dựng dân dụng. Ngoài ra, phát triển các tổ "chuyên môn" là tổ sản xuất thịt bò, tổ chăn nuôi heo hàng hóa, tổ sản xuất gà giống địa phương... sẽ giúp các xã viên liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp cũng như thu hút sự đầu tư của các nhà khoa học. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp của HTX Tịnh Trà có mặt tại các siêu thị lớn, có thị trường ổn định và từng bước xây dựng một số thương hiệu nông sản hàng hóa địa phương. Thạc sĩ Phan Tấn Hiếu cho rằng, nếu không gắn phát triển HTX với doanh nghiệp thì HTX không thể phát triển bền vững được. Các tổ sản xuất là những "đơn vị" rất chuyên sâu về một lĩnh vực để có sản phẩm cuối cùng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là mô hình tổ chức mà mọi nông dân rất cần.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 

TIN LIÊN QUAN

 


.