Phát triển làng nghề nông thôn: Động lực xây dựng nông thôn mới

03:04, 26/04/2012
.

(QNg)- Phát triển các làng nghề ở nông thôn hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Không những giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  

TIN LIÊN QUAN


Lợi thế từ làng nghề

Một trong những mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch… Chính vì vậy, việc khôi phục, phát triển làng nghề hiện nay là khâu quan trọng nhằm từng bước nâng cao bộ mặt kinh tế vùng nông thôn.

Sản xuất bánh tráng mỏng ở làng nghề sản xuất bánh tráng xã Hành  Trung (Nghĩa Hành).
Sản xuất bánh tráng mỏng ở làng nghề sản xuất bánh tráng xã Hành Trung (Nghĩa Hành).


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có 22 làng nghề, cùng với 22 doanh nghiệp và gần 5.400 cơ sở ngành nghề lao động nông thôn đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 22 nghìn lao động nông thôn, với doanh thu trong năm 2011 là 1.175 tỷ đồng, tạo thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Đây chính là điều kiện để nâng cao đời sống người dân, cũng như diện mạo kinh tế nông thôn.

Nhiều làng nghề đã không ngừng phát triển, trong đó có 10 làng nghề, nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận theo các tiêu chí mới. Điển hình như Dệt thổ cẩm làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ); sản xuất nem, chả phường Lê Hồng Phong, sản xuất thịt bò khô phường Nguyễn Nghiêm; sản xuất đường kẹo đặc sản phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi); sản xuất chổi đót thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), sản xuất bánh tráng, bún thôn Hiệp Phổ Trung xã Hành Trung (Nghĩa Hành); chế biến nước mắm Đức Lợi xã Đức Lợi (Mộ Đức)... Nhiều làng nghề có doanh thu hàng năm chiếm từ 40 - 50% doanh thu của toàn xã. Trong đó nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản đã và đang rất phát triển, với 5 doanh nghiệp và gần 3.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm khoảng 14 nghìn lao động.

Nói về thế mạnh của địa phương, ông Lê Minh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: Toàn xã có hơn 1.800 hộ, 8.695 nhân khẩu, thì có khoảng gần 70% hộ dân, với hàng ngàn nhân khẩu làm nghề khai thác, chế biến hải sản. Trong đó có 600 hộ chuyên chế biến nước mắm và các loại mắm... Bình quân mỗi năm các hộ này chế biến hàng ngàn tấn cá tươi. Khi vào vụ cá có tháng bà con chế biến lên tới cả trăm tấn. Mỗi năm Đức Lợi chế biến được từ 3,5-4 triệu lít nước mắm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 3.000-4.000 lao động. Từ nghề chế biến hải sản, mỗi năm người dân trong xã có doanh thu từ 23-25 tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Đến nay, xã có 25 cơ sở chế biến nước mắm thực hiện dán nhãn hàng hóa.

Để làng nghề "cất cánh"

Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã ban hành một số chính sách, triển khai một số hoạt động nhằm khôi phục, khuyến khích phát triển các làng nghề thủ công truyền thống.

Tỉnh đã quy hoạch xây dựng gần 20 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó đã quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hơn 15 cụm, điểm. Hiện có  một số cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp bước đầu hoạt động có hiệu quả, như: Cụm tiểu thủ công nghiệp La Hà, Đồng Dinh, Bình Nguyên, Quán Lát, Tịnh Ấn Tây... Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, nhưng chưa đủ sức thu hút được doanh nghiệp…

Ông Đỗ Kỳ Ân- Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: Đội ngũ lao động của các nghề và làng nghề có trình độ học vấn thấp, các nghề tại địa phương chủ yếu là nghề đơn giản, không yêu cầu trình độ cao, thời gian học nghề ngắn; ít có lao động chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn ở tỉnh ta hiện nay phần lớn mang tính tự phát, manh mún, không tập trung chuyên sâu, công nghệ sản xuất còn mang tính thủ công; chủ yếu là các gia đình tự sản xuất, thị trường tiêu thụ khá nhỏ, hẹp, chưa có khả năng cạnh tranh cao. Một vấn đề quan trọng không kém là nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực ngành nghề nông thôn còn thấp, chưa tạo "đòn bẩy" để các cơ sở nghề mở rộng đầu tư...

Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).
Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).


Để làng nghề "cất cánh" cũng như đạt được các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, thì việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn hiện nay cần phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Các địa phương cần lựa chọn, xác định được ngành nghề địa phương có tiềm năng lợi thế. Tranh thủ tập trung các nguồn lực về đầu tư, phát triển ngành nghề ở địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề cho người lao động. Đặc biệt, cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối, đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Định hướng cho việc phát triển làng nghề trong thời gian tới, ông Đỗ Kỳ Ân cho biết thêm: Phát triển các làng nghề là một trong những nội dung của Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới cần đẩy mạnh việc quy hoạch đất đai xây dựng làng nghề tập trung; đào tạo nghề truyền thống, nghề mới cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên tạo cơ chế để người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi… Đó là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.


             Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.