Nghĩa Hòa xây dựng nông thôn mới trên nền “Phố cổ Thu Xà"

02:04, 09/04/2012
.

(QNg)- Phố cổ Thu Xà hưng thịnh một thời vẫn còn đọng lại đây đó ở những ngôi nhà cổ, làng nghề truyền thống, nét văn hóa ở những ngôi chùa và những danh lam thắng cảnh... Huyện Tư Nghĩa chọn xã Nghĩa Hòa làm xã điểm để xây dựng nông thôn mới từ nền tảng "Phố cổ Thu Xà".  

TIN LIÊN QUAN


Dấu tích một thời

Trải qua những biến cố của lịch sử, phố cổ Thu Xà giờ thu nhỏ thành thôn Thu Xà ở trung tâm xã Nghĩa Hòa. Các làng nghề truyền thống thời phố cổ như dệt chiếu cói, làm nhang, bánh kẹo… hiện vẫn còn "sống" khắp các thôn xóm.

Đường vào Trung tâm xã Nghĩa Hòa hôm nay.
Đường vào Trung tâm xã Nghĩa Hòa hôm nay.


Dọc theo hai con đường đến trung tâm xã Nghĩa Hòa, những đống lốp ô tô chất cao ngất quanh năm. Từ những đống lốp này, những người thợ đã mổ xẻ lấy triên và chế biến thành những sản phẩm dây su, các mặt hàng phục vụ cho nghề sản xuất nông lâm thủy sản. Đã có 200 hộ ở thôn Hòa Bình sinh sống bằng nghề này. Vượt qua những con đường đầy lốp xe, vào sâu bên trong, làng Hòa Bình thật bình yên. Những thẻ nhang phơi nhuộm đỏ hai bên đường.

 

Nghề làm nhang không chỉ hưng thịnh dịp Tết đến Xuân về, mà ngay cả những ngày thường bà con cũng tất bật. Trước đây, người thợ chỉ làm thủ công, một ngày làm được khoảng 10 vạn cây/lao động, giờ làm bằng máy đạt đến 35 - 40 vạn cây/2 lao động. Nhang Nghĩa Hòa tiêu thụ mạnh ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Sống được với nghề nên đã có 100 hộ nơi đây miệt mài gìn giữ nghề nhang truyền thống. Bên trong các ngôi nhà có những người phụ nữ ngồi bên khung dệt chiếu cói.

Qua các bàn tay khéo léo, những người thợ làm nên nén nhang, tấm chiếu, những chiếc bánh nổ, kẹo gương, đường phổi…  mang đậm nét văn hóa truyền thống ở phố cổ Thu Xà. Họ đã sống được với nghề nên đã giữ nghề đến hôm nay.


Mỗi dịp Tết đến Xuân về những mặt hàng truyền thống trở nên hưng thịnh. "Các du khách thập phương đến chùa Ông - nơi còn lưu giữ những nét văn hóa, kiến trúc độc đáo. Chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1983. Theo năm tháng, ngôi chùa là nơi đến hành lễ của đông đảo khách thập phương trong và ngoài tỉnh" - Ông Từ Quang Tuấn - Trưởng Ban quản lý chùa Ông cho biết.

Về Thu Xà, du khách còn thưởng thức những cảnh đẹp ở cửa biển Cổ Lũy khi bình minh lên, những danh lam thắng cảnh ở Làng Tiên Sà, Phố Dánh, Đùi Ban Yên, Cống Khệnh; thưởng thức bát don đậm đà mùi vị quê hương. Theo con đường đã được bê tông du khách đến viếng mộ Bích Khê. Một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông đã để lại cho đời những tập thơ Tinh Hoa, Tinh Huyết... và ra đi ở tuổi 30. Du khách về Thu Xà trong dịp rằm tháng 7 sẽ được thưởng thức lệ phá cỗ...

Người dân xã Nghĩa Hòa đã giữ gìn và phát triển những nghề truyền thống và lưu giữ được nét văn hóa xưa. Đây là cơ sở giúp xã Nghĩa Hòa xây dựng nông thôn mới trên nền tảng từ "phố cổ Thu Xà".

Khôi phục phố cổ ...

Những gì còn lại ở "phố cổ Thu Xà" chỉ là dấu tích của một thời hưng thịnh. Một mai, khi TP Quảng Ngãi mở rộng về phía biển thì phổ cổ cần lắm sự khôi phục để giữ lại nét văn hóa một thời, thu hút khách thập phương trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết ngay từ bây giờ, tỉnh nên tính toán trích nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, cùng với ngân sách tỉnh bố trí quy hoạch tổng thể, phân tích từng hạng mục để xây dựng khôi phục lại phố cổ, nhưng đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn của địa phương hiện nay, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì xã Nghĩa Hòa đã đạt 7 tiêu chí là: Điện, đường, trường, trạm, thôn văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, gia đình văn hóa... Trong đó, trạm y tế xã; trường mầm non và trường trung học cơ sở xã Nghĩa Hòa đã đạt chuẩn Quốc gia; 4/4 thôn đạt thôn văn hóa; có 2.036/2.344 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa (86,9%); có 4 tuyến đường liên thôn, liên xóm đã được bê tông 5 km; tỷ lệ hộ nghèo còn 10 %  tổng số hộ trong toàn xã (2.344 hộ).

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết: Trong các tiêu chí còn lại, xã đặc biệt chú trọng phát triển nền kinh tế trong dân. Trên nền tảng của các nghề truyền thống, xã đẩy mạnh các nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò nhốt chuồng,  phát triển nghề trồng hoa cây cảnh và nuôi tôm trên vùng nước lợ...

Trước hết Nghĩa Hòa quy hoạch xây dựng chợ trung tâm xã, để có nơi bày bán các sản phẩm truyền thống. Phấn đấu đến cuối năm 2013, các tiêu chí chợ nông thôn; bưu điện, nhà ở dân cư; thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo; cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục, y tế... của xã đều đạt theo tiêu chí nông thôn mới. Khi các tiêu chí  nông thôn mới đạt được, kết hợp với những danh lam thắng cảnh ở phổ cổ Thu Xà, những làng nghề truyền thống phát triển, Nghĩa Hòa sẽ là một trong những xã đầu tiên xây dựng nông thôn mới của huyện Tư Nghĩa.         


                Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.