Sông Re ngày mới

11:05, 02/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sông Re nằm ở thượng nguồn và là một trong những nhánh sông chính của dòng sông Trà Khúc, chảy qua các xã khu tây huyện Ba Tơ rồi vào huyện Sơn Hà. Vùng đất này từng chịu nhiều thiệt hại của chiến tranh. Đi lên từ những gian khó, cuộc sống mới ở nơi thượng nguồn sông hôm nay khoác lên những gam màu tươi sáng, sinh động, đầy sức sống trong phát triển kinh tế, xã hội.
Những cây cầu nối nhịp bờ vui
 
Dọc theo Quốc lộ 24 là đến với các xã Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Ngạc và Ba Xa (Ba Tơ). Các xã này được xếp vào hàng sâu và xa nhất huyện, nằm ven dòng sông Re hùng vĩ, thơ mộng, giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Đi cùng tôi từ khu vực xã Ba Vì về đến Ba Xa, anh Phạm Văn Triệu (32 tuổi), một cán bộ trẻ ở đây, thông tin: Thượng nguồn dòng sông Re nằm một phần ở huyện Kon Plông (Kon Tum) rồi mới chảy qua các xã này. Sau đó, sông chảy qua huyện Sơn Hà rồi đổ về sông Trà Khúc. Vì thế, đoạn qua địa phận Ba Tơ được xem là thượng nguồn quan trọng của sông Trà Khúc, với chiều dài khoảng 40km.   
 
Những cây cầu treo dân sinh tiền tỷ, bắc ngang dòng sông Re đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi thượng nguồn.                  Ảnh: PV
Những cây cầu treo dân sinh tiền tỷ, bắc ngang dòng sông Re đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi thượng nguồn. Ảnh: PV
Nhìn từ trên cao xuống, sông Re tựa như dải lụa trắng, len lỏi dọc các ngôi làng, nằm gọn giữa núi đồi. Nhiều đoạn quanh co, lắm ghềnh thác tạo nên bức tranh hùng vĩ giữa chốn đại ngàn. Đi dọc dòng sông Re, anh Triệu cho biết: Nhiều năm về trước, người dân tả ngạn, hữu ngạn sông Re trên này phải qua lại, giao thương bằng phương tiện duy nhất là đò ngang. Bởi lúc ấy, chưa có cầu bê tông, cầu treo kiên cố. Mùa lũ, thường bị cô lập dài ngày. Ai đau ốm, tính mạng lại giao phó cho trời. Đời sống muôn vàn khó khăn.
 
Còn bây giờ, đi dọc sông Re, rất nhiều cây cầu mọc lên. Ấn tượng hơn là những cây cầu treo dân sinh trị giá tiền tỷ được bắc ngang con sông này để người dân đi lại thuận tiện hơn. "Riêng xã Ba Xa có tới 3 cây cầu, phân bố ở các thôn Nước Lăng, Mang Mu, Gọi Re. Và nhiều xã khác cũng vậy", anh Triệu phấn khởi chia sẻ. 
 
Sớm nhất, lâu đời nhất không thể không kể đến cây cầu treo ở xã Ba Vì, nối liền đôi bờ thôn Giá Vực với thôn Mang Đen. Nó chính là “chứng nhân” cho sự vươn lên về mọi mặt của vùng đất bên sông Re. Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lê Hữu Trinh cho hay: Địa phương thường xuyên duy tu, bảo dưỡng cây cầu để không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn thu hút khách thập phương về đây tham quan.
 
Đến nay, nhiều tuyến đường huyết mạch ở vùng sông Re cũng đã được bê tông kiên cố từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Điện lưới kéo về tận vùng lõm. Trường học, công trình nước sạch được xây dựng bài bản. Đời sống người dân cải thiện đáng kể, có của ăn của để...
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, cùng với các địa phương khác trong toàn huyện, các xã nằm dọc sông Re như Ba Xa, Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Ngạc là những vùng đất anh hùng.  Nếu như trước đây có xã tỷ lệ hộ nghèo có nơi có năm lên đến 67%, thì nay tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hằng năm từ 5 - 6%. Với lợi thế có dòng sông Re, nơi đây rất có tiềm năng phát triển thủy điện. Nhà máy thủy điện Đăkre đã đi vào hoạt động và huyện Ba Tơ đang quy hoạch thêm 4 nhà máy thủy điện khác trên sông Re".
Đói nghèo đã được đẩy lùi
 
Điểm sáng ở vùng sông Re phải nhắc đến xã Ba Vì, nơi có sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Sự ấm no của người dân nơi đây, bộ mặt khang trang ở địa phương đã dần dần xóa đi cái nghèo đói, lạc hậu xưa kia. Thế nhưng, dấu ấn lịch sử một thời oanh liệt của vùng đất này vẫn còn mãi.
 
Ông Phạm Văn Chè (66 tuổi), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì không khỏi xúc động khi nhắc về chiến thắng Giá Vực vào ngày 20.9.1974, niềm tự hào của người dân huyện Sông Re xưa (nay là Ba Tơ). Ông cũng là người góp một phần công sức, hỗ trợ bộ đội chủ lực chiến đấu. Chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, giải phóng hoàn toàn huyện nhà, góp phần giải phóng Quảng Ngãi và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. "Là một vùng đất khó, bốn bề núi non trùng điệp, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, cuộc sống người dân Hrê chúng tôi từng phải trải qua những ngày tháng “rày đây mai đó” chốn rừng sâu. Nay tất cả chỉ còn là dĩ vãng”, ông Chè nói trong niềm tự hào.
 
Nhiều hàng quán, cửa hàng kinh doanh, các thiết bị điện lạnh, điện tử, xe máy, đồ thủ công mỹ nghệ... cũng lần lượt được mở, phục vụ nhu cầu người dân trong vùng. Ba Vì nhìn chẳng khác gì sự sầm uất của một thị trấn miền xuôi. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lê Hữu Trinh, cơ cấu kinh tế trong nhiệm kỳ qua của xã được chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu nông nghiệp chiếm 28%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 19%, thì thương mại - dịch vụ chiếm đến 53%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 6,2%...
 
Ông Đinh Văn Cần, 58 tuổi, ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở đây. Nhớ lại ngày đầu đến đây lập nghiệp, cách đây hơn 30 năm với bao khó khăn, thì nay với cơ sở chế biến đồ gỗ gia dụng, bàn ghế đã đem lại cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định ít nhất 10 triệu đồng/ tháng. Đó là chưa kể, với 5ha keo trồng trên rẫy, sau khoảng 4 năm gia đình ông lại thu về hàng trăm triệu đồng.
 
“Năm xưa, tôi đã đặt niềm tin vào vùng đất này và nó đang thật sự chuyển mình để phát triển. Còn nhớ ngày đó, cây keo, cây mì làm ra không biết làm sao vận chuyển, tư thương ép giá, đời sống nhân dân muôn vàn khổ cực. Thế nhưng, bây giờ thì khỏe rồi. Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước mà đời sống người dân mỗi ngày một khấm khá hơn”, ông Cần chia sẻ.
 
Suốt chiều dài của mình, sông Re - nơi thượng nguồn sông Trà Khúc đã làm nên những nét văn hoá riêng của vùng đất một thời nổi tiếng rừng thiêng. Cái đói nghèo đã dần được đẩy lùi...
 
Từ Thiên Hậu
 
 
 
 
 

.