Hơn 50 năm giữ nghề truyền thống

09:02, 11/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kế thừa nghề làm khuôn bánh in từ cha, ông Trần Tuyến Dũng (70 tuổi), ở thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), luôn dặn lòng phải gìn giữ nghề đến khi "sức cùng lực kiệt". Dẫu nghề xưa không còn được ưa chuộng, một năm chỉ làm khoảng hơn 10 khuôn bánh in, nhưng đã 5 thập niên trôi qua, nghề làm khuôn bánh in vẫn được ông Dũng gìn giữ. 
Mê chạm trổ, tạo hình khuôn bánh 
 
Về xã Nghĩa Hòa, chỉ cần hỏi ông hai Dũng làm khuôn bánh in là ai cũng biết. Căn nhà nhỏ đơn sơ, mộc mạc như chính cách ông Dũng chia sẻ câu chuyện gắn bó với nghề tạo khuôn bánh in. Nhấp ngụm trà, ông Dũng chầm chậm kể về khoảng thời gian niên thiếu khi thấy cha say sưa chạm trổ, tạo hình trên gỗ để làm ra một khuôn bánh in tinh xảo, bắt mắt.
 
“Cha tôi học nghề này từ một vị sư thầy. Năm 17 tuổi, tôi thấy cha đem gỗ về bày biện ở góc sân nhà. Ông bình tâm ngồi chạm trỗ, mài dũa ra những chiếc khuôn bánh in. Vậy là, tôi cũng hứng thú theo học nghề của cha”, ông Dũng nhớ lại. 
 
Dẫu trải qua bao thăng trầm, đổi thay, ông Trần Tuyến Dũng vẫn luôn trân quý nghề làm khuôn bánh in truyền thống.
Dẫu trải qua bao thăng trầm, đổi thay, ông Trần Tuyến Dũng vẫn luôn trân quý nghề làm khuôn bánh in truyền thống.
 
Thuở trước, nghề làm khuôn bánh in rất hưng thịnh. Xã Nghĩa Hòa có nhiều hộ sản xuất bánh in truyền thống nên gia đình ông Dũng nhận được nhiều đơn hàng làm khuôn bánh. Vậy nên, cha ông Dũng ngày đêm miệt mài chạm trổ khuôn bánh để kịp giao cho khách hàng. Ông Dũng cũng theo phụ cha làm khuôn bánh, nhờ đó tay nghề cũng dần khá lên. Ông Dũng hào hứng kể: “Nghe tiếng đục, nhìn hình thù được chính tay mình chạm trổ ở mỗi ô bánh trên khuôn bánh in, tôi say mê lắm. Đến năm 20 tuổi, cha tôi tin tưởng giao hẳn cho tôi sáng tạo, làm những chiếc khuôn bánh in theo ý của mình”.
 
Vui với nghề
 
Ngày trước, khi chưa có nhiều loại bánh công nghiệp như bây giờ, các loại bánh làm thủ công như bánh in rất được ưa chuộng, nên mỗi tháng ông Dũng bán khoảng 15 khuôn bánh in. Thế rồi, nhu cầu sử dụng khuôn bánh in truyền thống giảm dần, nhưng không vì thế mà ông Dũng bỏ nghề. Trong nhà ông Dũng lúc nào cũng dự trữ gỗ lồng mức để khi có khách đặt khuôn bánh thì kịp làm. Ông Dũng cho biết: Từ xưa đến nay, ông cha ta đều dùng gỗ lồng mức để tạo khuôn bánh in. Loại gỗ này dáng thẳng, gỗ mềm, không bị cong vênh, nứt toác, thớ gỗ đẹp, nhẹ... rất thuận tiện cho việc chạm khắc khuôn bánh.
 
Mỗi khuôn bánh in bán với giá 200 nghìn đồng. Không thể sống được nếu chỉ duy nhất làm nghề sản xuất khuôn bánh, nhưng ông Dũng cảm thấy vui vì thi thoảng được sống với nghề truyền thống. Ông Dũng hiện làm thợ cắt tóc, lúc rỗi lại gắn bó với ruộng đồng. Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng ông Dũng chưa bao giờ có ý định bỏ nghề làm khuôn bánh in. “Tuy nhu cầu không cao như trước, mỗi năm chỉ làm khoảng hơn 10 khuôn bánh in, nhưng tôi vẫn yêu lắm nghề truyền thống của cha ông", ông Dũng trải lòng. 
 
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 
 

.