Cây dược liệu:  Tiềm năng cần khai thác hiệu quả

13:54, 25/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) Quảng Ngãi được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng. Nơi đây đang trở thành địa chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp tìm hiểu, liên kết với người dân địa phương trong trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm từ cây dược liệu.

Nhiều giống cây dược liệu quý

Theo TS Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tài nguyên dược liệu tại vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Ngãi rất phong phú, đa dạng. Nổi bật là quế Trà Bồng, mỗi năm người dân thu hoạch từ 1.600 - 2.000 tấn vỏ quế. Đây là 1 trong 4 vùng trọng điểm quế của cả nước.

Công ty Hoàng Linh Biotech giới thiệu sản phẩm cốm gừng sử dụng nguyên liệu chính là gừng gió huyện Trà Bồng.
Công ty Hoàng Linh Biotech giới thiệu sản phẩm cốm gừng sử dụng nguyên liệu chính là gừng gió huyện Trà Bồng.

Thời gian qua, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao khảo sát, hỗ trợ 22 huyện trong cả nước xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý, trong đó có Trà Bồng. Viện đang phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện Trà Bồng lựa chọn địa điểm xây dựng vùng trồng, xây dựng danh mục cây dược liệu phù hợp phát triển tại vùng trồng và xây dựng khu sơ chế dược liệu. Hiện tại, Viện đã xác định và đưa 6 xã của huyện Trà Bồng vào quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, gồm: Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Hương Trà, Trà Thanh, với tổng diện tích hơn 2.315ha.

"Tại vùng quy hoạch trồng cây dược liệu này, Viện xác định, ưu tiên đưa vào quy hoạch các loại cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên để đẩy mạnh trồng dưới tán rừng và trồng tại vùng chuyên canh. Qua đó, tạo vùng dược liệu bền vững tại huyện Trà Bồng, gồm các loại cây như quế, đảng sâm Việt Nam, bách bộ, bảy lá một hoa, thiên niên kiện, sa nhân tím, gừng gió, thảo quả, lá khôi, lan kim tuyến... Đây đều là các loại dược liệu quý với nhu cầu thị trường khá lớn...", TS Phan Thúy Hiền nhấn mạnh.

Ngoài cây quế, vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh còn có một số cây dược liệu quý, mang tính đặc thù khác như sâm bảy lá một hoa, thiên niên kiện, gừng gió, lan kim tuyến, đương quy... tập trung nhiều ở các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ... Theo khảo sát, đánh giá của TS Phan Thúy Hiền, tại các địa phương này, người dân đang từng bước phát triển các mô hình trồng cây dược liệu như trồng gừng gió, tam thất nam... Tuy nhiên, quy mô của mô hình còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng.

Thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Không chỉ sở hữu nhiều loại cây dược liệu quý, sẵn có trong tự nhiên, vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh còn có nhiều lợi thế về diện tích đất (chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của tỉnh), điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... để phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu. Do đó, nơi đây đang trở thành vùng đất thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dược liệu trong và ngoài tỉnh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Khe Xai Eco (Hà Tĩnh) khảo sát vùng trồng dược liệu tại huyện Sơn Hà.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Khe Xai Eco (Hà Tĩnh) khảo sát vùng trồng dược liệu tại huyện Sơn Hà.

Là một trong những đơn vị đã và đang khảo sát tiềm năng cây dược liệu tại Quảng Ngãi, Công ty CP Tập đoàn Khe Xai Eco (Hà Tĩnh) đề xuất dự án liên kết chuỗi trồng và chế biến cây sả chanh, một số cây dược liệu, cùng mô hình nuôi bò thảo dược ở vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Khe Xai Eco Trần Đại Nghĩa, vùng miền núi Quảng Ngãi có diện tích đất tự nhiên lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng các loại cây dược liệu. Nhưng khi khảo sát tại các huyện miền núi như Ba Tơ, Sơn Tây... chúng tôi nhận thấy, người dân địa phương chủ yếu chỉ phát triển cây mì, chưa tận dụng được các thế mạnh sẵn có về cây dược liệu. Vì vậy, trong thời gian đến, chúng tôi mong muốn được gắn kết với nông dân, hình thành nên các chuỗi liên kết trồng và chế biến một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn cây mì.

Tại huyện Trà Bồng, hàng trăm hộ dân địa phương đang liên kết với Công ty Hoàng Linh Biotech để trồng cây gừng gió - một loại cây dược liệu đặc trưng của địa phương. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Linh Biotech Phạm Thị Hồng Vân nhìn nhận, tiềm năng dược liệu ở miền núi Quảng Ngãi vô cùng quý giá. Qua khảo sát, nghiên cứu của công ty chúng tôi, cùng một loại cây dược liệu, nhưng khi được trồng tại vùng núi Quảng Ngãi, hàm lượng tinh chất dược liệu trong cây cao gấp nhiều lần so với trồng ở vùng khác. 

Thời gian qua, chúng tôi đã lựa chọn một số xã tại huyện Trà Bồng để liên kết cùng nông dân trồng sản phẩm gừng gió. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hàm lượng tinh chất dược liệu có trong gừng gió trồng tại đây, cao hơn 400 lần so với gừng bình thường. Gừng gió đã trở thành nguyên liệu chính để công ty sản xuất ra sản phẩm "Cốm gừng Tây Trà đông trùng hạ thảo". Sản phẩm này hiện đã được công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ và được người tiêu dùng đánh giá cao.

"Trong thời gian đến, chúng tôi mong muốn tiếp tục liên kết với người dân để mở rộng diện tích trồng gừng gió. Tuy nhiên, việc mở rộng sẽ không chạy theo số lượng, mà vẫn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Bởi, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, dù cùng được trồng tại huyện Trà Bồng, nhưng tùy theo vị trí trồng, mà gừng gió sẽ cho hàm lượng tinh chất dược liệu rất khác nhau. Vì vậy, việc phải làm sao vừa phát triển được vùng chuyên canh, vừa đảm bảo chất lượng của cây dược liệu là vấn đề mà chúng tôi cùng các chủ thể tham gia phát triển cây dược liệu gừng gió nói riêng, các loại cây dược liệu khác nói chung cần cân nhắc, nhằm đảm bảo tính đặc trưng và chất lượng để cây dược liệu trồng tại Quảng Ngãi gầy dựng và giữ vững được vị thế trên thị trường", bà Vân nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu

Tiến sĩ Phan Thúy Hiền cho rằng, bên cạnh phát triển vùng trồng cây dược liệu, Quảng Ngãi cần có phương án xây dựng khu sơ chế, chế biến tinh dầu quế, dược liệu. Đồng thời, cần đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại địa phương, nhất là các cán bộ người dân tộc thiểu số. Tỉnh phải xác định rằng, doanh nghiệp là đơn vị đầu mối, liên kết các bên tham gia chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu trồng tại địa phương, góp phần nâng cao uy tín và gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cây dược liệu phát triển.

Bài, ảnh: THU HIẾU


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.