Phát triển cây dược liệu: Chưa tương xứng với tiềm năng

10:03, 08/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khu vực miền núi của tỉnh có nhiều cây dược liệu có giá trị y học và kinh tế cao. Tuy nhiên, việc bảo tồn và mở rộng diện tích, phát triển cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa còn nhiều khó khăn.
[links()]
 
Huyện Trà Bồng có cây quế, gừng gió, loại cây dược liệu được người dân tìm thấy trong rừng, di thực về trồng dưới tán rừng, trong vườn nhà nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, từ khi quế và các sản phẩm từ quế, gừng gió được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, 3 sao, thì nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Từ đó, chính quyền địa phương cũng như người dân chú trọng thực hiện công tác bảo tồn và phát triển hai loại cây dược liệu này.
 
Người dân trồng thử nghiệm cây sa nhân xen trong rừng phòng hộ ở xã Long Môn (Minh Long).
Người dân trồng thử nghiệm cây sa nhân xen trong rừng phòng hộ ở xã Long Môn (Minh Long).
Chủ tịch UBND xã Hương Trà (Trà Bồng) Hồ Bảo Xuyên cho biết, gừng gió được thương lái thu mua tại nhà với giá từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, có lúc lên tới 70 nghìn đồng/kg giúp người dân có thêm thu nhập. Nhưng sản lượng khai thác ngoài tự nhiên ngày càng ít, nên người dân trong xã đã trồng thêm dưới tán rừng, trong vườn nhà. Bên cạnh đó, huyện Trà Bồng cũng triển khai xây dựng vùng trồng cây gừng gió hàng hóa, với diện tích tập trung 20ha tại các xã Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh, Trà Tây. Điều này sẽ giúp người dân có điều kiện tiếp cận với quy trình kỹ thuật chăm sóc, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gừng gió để tăng hiệu quả kinh tế.
 
Tuy nhiên, ngoài cây quế và gừng gió thì hầu hết các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa phát triển như kỳ vọng, diện tích rải rác và nhỏ lẻ, dẫn đến sản lượng và chất lượng không đáp ứng yêu cầu thị trường.
 
Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo kế hoạch, tổng diện tích cây dược liệu đến năm 2020 trên địa bàn 5 huyện gồm: Mộ Đức, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng và Sơn Tây trên 989ha (trong đó có 700ha quế tại huyện Trà Bồng). 
 
Đến cuối năm 2025, diện tích cây dược liệu tiếp tục phát triển lên trên 3.900ha (trong đó có 3.600ha quế); đồng thời xây dựng vườn ươm và nhân giống có quy mô 1ha tại xã Sơn Cao (Sơn Hà) và 0,5ha tại xã Trà Phong (Trà Bồng), đáp ứng 15 - 20% nhu cầu giống tại chỗ (tùy chủng loại). Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2022, tổng diện tích cây dược liệu toàn tỉnh chỉ đạt gần 512ha; trong đó diện tích trồng dưới tán rừng trên 11ha, diện tích trồng trên đất trống, nương rẫy, vườn trên 500ha; diện tích trồng bảo tồn và lấy giống 0,16ha. Kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh sẽ trồng hơn 476ha.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho rằng, quá trình phát triển cây dược liệu theo hướng chuyên canh hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Nguồn giống của hầu hết các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh (trừ cây quế) phần lớn là di thực, chưa có vườn ươm cây giống dẫn đến bị động trong mở rộng quy mô diện tích. Quan trọng nhất là chưa thu hút được doanh nghiệp- mắt xích quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm. Vì vậy, để khai thác giá trị của cây dược liệu, cần cơ chế hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển gắn với chế biến sản phẩm.
 
Trong bối cảnh các loại cây dược liệu trong thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, một số giống cây quý có nguy cơ cạn kiệt thì việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ  nguồn gen và sức khỏe con người. Vì vậy, chính quyền các địa phương kiến nghị ngành chuyên môn cần nghiên cứu hình thành các vùng trồng cây dược liệu tập trung gắn với xúc tiến liên kết chế biến, tiêu thụ nhằm thu hút người dân mạnh dạn tham gia trồng và phát triển cây dược liệu. Qua đó từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động khu vực miền núi.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.