Không còn "Cù lao khát"

04:05, 15/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Cù lao khát” -  cái tên bất đắc dĩ gắn liền với xóm Mỹ An chúng tôi từ thời xa xưa tới tận bây giờ, cuối cùng cũng được xóa bỏ. Nước sạch về làng, chúng tôi không còn phải sống trong khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt triền miên...”. Đó là lời ông Nguyễn Hữu Quân - Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) khi nước sạch đã về với "cù lao khát".
 

Lời reo vui của ông Quân đã thôi thúc tôi trở lại Mỹ An – vùng đất cù lao trước đây quanh năm thiếu nước...   

Nước máy về tận ngõ

Không phải ngẫu nhiên mà xóm cù lao Mỹ An được mệnh danh là "cù lao khát". Một năm có 12 tháng thì Mỹ An đã có đến 8 tháng thiếu nước. Bốn tháng còn lại, người dân phải hứng nước mưa để dùng. Trong số 900 gia đình sống ở cù lao này, có đến 600 gia đình phải mua nước. Số gia đình còn lại, đành "nhắm mắt" dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn từ công trình nước “sạch” được xây dựng cách đây hơn 10 năm.

 

Chi đoàn thanh niên thôn Mỹ Tân đến nhà dân lắp đặt và ghi số nước hàng tháng.
Chi đoàn thanh niên thôn Mỹ Tân đến nhà dân lắp đặt và ghi số nước hàng tháng.

“Đây không phải lần đầu tiên, Đoàn Thanh niên thôn san sẻ khó khăn với người dân. Mà trước đó, thanh niên đã đổ công sức để bê tông 3,5km đường giao thông nông thôn của xóm Mỹ An. Sắp tới, Đoàn Thanh niên sẽ tiếp tục đứng ra vận động và thu gom rác thải. Hoàn thành xong việc đấy nữa, xem như Đoàn Thanh niên đã giúp chúng tôi giải quyết ba vấn đề quan trọng nhất: Giao thông, nước sạch và vệ sinh môi trường”.
Ông NGUYỄN HỮU QUÂN- Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).

Để chống chọi với "điệp khúc buồn" thiếu nước sinh hoạt, người dân trong vùng phải huy động mọi diện tích sân vườn để giăng bạt hứng nước vào mùa mưa và đào hố dọc theo những con đường có đường ống dẫn nước “sạch” để đặt thùng hứng nước vào mùa nắng. Cách lấy nước từ van nước nằm sâu dưới lòng đất này, chắc chỉ cù lao Mỹ An mới có. Bởi mang tiếng là có công trình nước sạch, nhưng nước cứ “chập chờn” như điện yếu, buộc người dân phải nghĩ ra “kế sách” này mới hứng được nước.

Ấy thế mà lần này trở lại “cù lao khát”, tôi chẳng còn thấy những hố đất khoét sâu xuống lòng đường nữa. Cảnh từng tốp người khổ sở mang thùng đi hứng nước giữa ban trưa cũng không còn. Thùng phi, lu sành mà mọi người vẫn thường dàn ra sân để hứng nước mưa giờ cũng đã được dẹp gọn ở góc sân...

Cụ Đoàn Thị Thích – một người đã sống hơn 80 năm ở đất cù lao, từng chứng kiến bao nhiêu đổi thay nhưng có một thứ không đổi, đó là tình cảnh thiếu nước ở đất cù lao này. Vậy mà nay, nhà cụ Thích cũng đã có nước máy về tận ngõ. Chiếc xe rùa mà cụ đã phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua về đẩy nước, giờ cũng đã bị xếp xó trong nhà kho. Cái lu sành bà từng lọc nước phèn, lâu ngày không dùng đến nên nằm chơ vơ, bám bụi. “Cứ tưởng cù lao mình cứ thiếu nước mãi như thế. Ai ngờ, những ngày cuối đời, lại chạm được vào dòng nước máy trong vắt, mát lạnh”, bà Thích vui mừng nói.

90 ngày làm nên kỳ tích

Câu chuyện một vùng đất “trắng” nước sinh hoạt suốt bao thế hệ, giờ lại có nước máy về tận nhà, lan truyền khắp xã Bình Chánh như một kỳ tích. Không gọi là kỳ tích sao được, khi vấn đề này đã được mang ra “mổ xẻ” không biết bao nhiêu lần ở các cuộc họp dân. Niềm mong mỏi của gần 1.000 hộ dân cũng đã được gửi gắm rất nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Thế nhưng, người dân ở cù lao “khát” đã nhiều phen thất vọng. Ấy vậy mà giờ, chỉ nhờ vào Chi đoàn Thanh niên thôn Mỹ Tân, nỗi khổ thiếu nước sạch lại được giải quyết nhanh gọn trong vòng 90 ngày.

Niềm vui của người dân “Cù lao khát “ khi được dùng  nước máy.
Niềm vui của người dân “Cù lao khát “ khi được dùng nước máy.


Quyết tâm đưa nước sạch về "cù lao khát", Bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Tân - Nguyễn Tiến Pháo đã nảy ra ý tưởng "phải liên hệ bằng được với Nhà máy nước Dung Quất Vinaconex để hợp đồng đưa nước máy về thôn". Song, sau khi dò hỏi, thấy kinh phí dự trù quá cao, người dân khó lòng kham nổi nên anh Pháo cùng đoàn viên thanh niên bỏ ý tưởng ban đầu. Sau đó, một ý tưởng khác được anh Pháo đưa ra. Đó là chỉ hợp đồng với Nhà máy nước Dung Quất Vinaconex phần cấp nước, còn mọi công đoạn, từ thiết kế đến lắp đặt đường ống dẫn nước, đoàn viên trong Chi đoàn sẽ tự bỏ sức ra làm, nhằm giảm chi phí lắp đặt xuống mức thấp nhất. Với cách này, chi phí dự kiến chỉ còn 1,8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với dự toán.
 

Chiếc lu sành nhắc nhớ thời "khát" nước sạch

Ngay bên cạnh vòi nước máy mà thanh niên mới lắp đặt cho bà Nguyễn Thị Phụng, ở xóm cù lao Mỹ An, là chiếc lu sành ám phèn đỏ quạch mà gia đình bà vẫn thường dùng để lọc nước ngày trước. Giờ có nước máy rồi, nhưng bà Phụng vẫn giữ lại. Bà bảo, làm thế để nhắc nhở cháu con nhớ về ký ức khó khăn ngày trước, để sử dụng có chừng mực nguồn nước sạch bây giờ…

“Nhưng 1,8 tỷ đồng cũng không phải là con số nhỏ. Phải làm sao cho người dân tin tưởng vào Đoàn thanh niên để đóng góp?”. Đó là câu hỏi mà anh Pháo trăn trở, bởi trước đây, cù lao Mỹ An cũng đã từng được đầu tư công trình nước sạch, song công trình chỉ hoạt động được một thời gian rồi quá tải và không phát huy hiệu quả, nên người dân không mấy tin vào công trình nước sạch.

Gỡ khó cho những người trẻ, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tân – Nguyễn Hữu Quân yêu cầu Chi đoàn thanh niên lập kế hoạch chi tiết, rõ ràng, minh bạch mọi chi phí, dù là nhỏ nhất để đưa ra xin ý kiến tại cuộc họp dân. “Trải qua 5 lần họp dân, với hàng trăm ý kiến khác nhau, Chi đoàn đều lần lượt giải đáp từng thắc mắc một. Thậm chí, thanh niên còn nhiệt tình đến tận nhà người dân để giải đáp. Chặng đường tranh thủ sự đồng thuận của người dân cam go là vậy, nhưng rất bất ngờ là đã giành được sự tin tưởng của mọi người”, ông Quân nói.

Càng bất ngờ hơn là chỉ sau hai tháng vận động, 600 hộ dân cù lao đã tin tưởng, đồng thuận đăng ký dùng nước máy. Và chưa đầy 15 ngày sau, toàn bộ đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Dung Quất Vinaconex đã được nối qua địa phận xã Bình Thạnh, vòng sang tuyến đường Trì Bình – Dung Quất và về đến cù lao. Liền sau đó là công đoạn lắp đặt đường ống và đồng hồ nước đến 450  hộ dân đăng ký được hoàn thành “thần tốc” trong nửa tháng. Các hộ dân còn lại, do chưa chuẩn bị đủ kinh phí để nối nước, nên Chi đoàn Mỹ Tân sẽ lắp đặt trong những tháng sau.

Vậy là chỉ với 60 ngày vận động, 30 ngày lắp đặt, Đoàn Thanh niên thôn Mỹ Tân đã giải quyết xong niềm mong mỏi nước sạch kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác của hàng trăm hộ dân xóm "cù lao khát". “Ngày đầu tiên đấu nối đường ống chính về đến ngã 4 chính, bất chấp cái nắng gay gắt của buổi trưa, người dân cù lao chạy ùa ra hứng nước để uống thử. Nhìn mọi người reo vui trong sung sướng, niềm hạnh phúc của chúng tôi cũng dâng trào”, thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Tiến Pháo tâm sự.

Theo chân người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tiến Pháo đến từng nhà dân để gửi hóa đơn tiền nước. Vừa đưa hóa đơn, anh Pháo vừa tận tình nhắn nhủ: “Trên hóa đơn, chúng cháu đã ghi sẵn số điện thoại, khi có hỏng hóc gì, cô cứ gọi vào, chúng cháu sẽ đến sửa ngay”. “ Ừ! Cô biết rồi. May mà còn có tụi con”, bà Nguyễn Thị Phụng vui mừng tiếp lời.


Từ nhà bà Phụng, vòng qua con đường ngay mé sông, đến với xóm Dừa - khu vực thiếu nước trầm trọng nhất của cù lao. Đang dở tay rửa chén, chị Nguyễn Thị Sáu, ở xóm Dừa xúc động: “Xây nhà, chị làm luôn cái bồn rửa chén này. Nhưng do không có nước nên đành để không 5 năm nay. May mà có thanh niên, nên cái bồn rửa chén mới phát huy được tác dụng..."
 
Bài, ảnh: Ý THU

 

CÁC TIN KHÁC
.