Cù lao "khát"

02:04, 11/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những chiếc lu sành được đặt ở khắp nhà, thậm chí cả lối đi để chứa nước. Những cửa hàng đồ sắt bày bán hàng loạt thiết bị vận chuyển nước lưu động với giá lên đến tiền triệu… Đó là thực tế đang diễn ra ở xóm cù lao Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).

“Đỏ mắt” tìm nước sạch

Sống ngay vùng sông nước, cách con sông Trà Bồng nước đầy ăm ắp chỉ một con đường bê tông nhưng xóm cù lao Mỹ An, thôn Mỹ Tân lại là nơi khan hiếm nước sinh hoạt trầm trọng. Xóm có gần 1.000 hộ dân, thì đã có đến hơn 800 hộ dân sống trong cảnh không có nước sinh hoạt. Cách duy nhất để có nguồn nước sử dụng là lấy trực tiếp từ nước mưa, hoặc phải đi mua nước về uống. Bởi thế, ở xóm cù lao, nhà nào cũng tích trữ đầy đủ các lu, thùng, can nhựa chứa nước.

Những người neo đơn ở cù lao Mỹ An phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua xe vận chuyển nước.
Những người neo đơn ở cù lao Mỹ An phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua xe vận chuyển nước.


Người dân sống ở cù lao cho biết, những năm trước, tình trạng thiếu nước còn diễn ra trong 9 tháng, 3 tháng mùa mưa thì may mắn có nước trời. Chứ hai năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước diễn ra cả năm. Để có nước sinh hoạt, hơn 800 hộ dân phải đến đi xin hoặc mua nước ở khu vực gần chợ Mỹ An, nơi có khoảng vài chục hộ dân dẫn được nước về từ trạm nước sinh hoạt Mỹ Tân. Số hộ dân có nước sinh hoạt chưa đến 100 người, còn số hộ thiếu nước lại quá đông, nên việc mua được nước cũng không phải chuyện giản đơn. Nhiều người vì không mua được nước tại thôn, nên phải đến các thôn lân cận như  Bình An Nội để chở nước về dùng.

Bà Đoàn Thị Thích (81 tuổi), không còn đủ sức vượt quãng đường xa từ 2-3km để chuyển nước về dùng, nên phải bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua xe đẩy nước di động. “Làm gì còn sức mà gánh nước, cũng không thể nhờ mọi người mãi được. Thôi thì mua luôn cái xe đẩy để nhẹ gánh hơn”, cụ Thích cho biết.

Nhắm mắt dùng nước bẩn

Ông Nguyễn Xuân Thanh - Trưởng thôn Mỹ Tân lắc đầu ngao ngán: “Mặc dù xã cũng đã đầu tư công trình nước sinh hoạt tại thôn Mỹ Tân để đưa nước về Mỹ An. Nhưng do công trình trên được xây dựng từ năm 2002, lúc đó xóm cù lao Mỹ An chỉ khoảng 600 hộ dân, còn giờ đã lên đến gần 1.000 hộ, khiến công trình bị quá tải. Năm 2007, xã tiếp tục đầu tư đường ống, chuyển hẳn nước của công trình nước sạch xóm Quang Minh, thôn Bình An Nội về cho Mỹ An, rồi đóng giếng mới cho các hộ dân ở xóm Quang Minh. Thế nhưng tình trạng thiếu nước ở Mỹ An vẫn không được cải thiện. Vì vậy, nước sinh hoạt trở thành vấn đề nan giải, bức xúc với người dân xóm cù lao Mỹ An”.

Không thể cứ mua nước mãi, nên nhiều hộ dân ở cù lao cũng đã tự đào giếng tìm nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do sông bị nhiễm mặn nên nước bị nhiễm phèn và đục ngầu bùn đất, không thể sử dụng được nên bà con lắc đầu chào thua. Điệp khúc mua nước, chở nước…cứ thế, kéo dài mãi. “Nước đục chẳng khác gì màu gạch cua. Nhưng vì nước sạch khó mua, khó tìm nên chúng tôi dè xẻn những thùng nước đó cho việc nấu ăn. Còn giặt giũ, rửa rau, tưới cây… chúng tôi đành dùng nước bẩn. Quần áo cũng vì thế mà xỉn màu cả. Biết là độc hại, nhưng phải làm sao?”, bà Lê Thị Ngọc cho biết.

Sống ở xóm cù lao đã gần trọn đời người, bà Ngọc trầm buồn bảo, có đến cù lao vào những ngày mưa, mới thấy được nước nơi đây quý đến ngần nào. Từ lu, thùng, can nhựa, cho đến nồi nấu cơm, chén, bát…đều được bà con vội vàng mang ra trải dài ngoài sân để hứng nước.
                        

Bài, ảnh: Ý THU
 


.