Biển gọi…

02:03, 04/03/2010
.
* Phóng sự của Phú Đức
 

(QNĐT)- Sau những ngày đoàn tụ, sum vầy bên gia đình đón Tết vui xuân, giờ đây cánh đàn ông, thanh niên trai tráng các làng biển ở Quảng Ngãi lại tiếp tục lên tàu vượt trùng khơi, sóng dữ, bám biển làm ăn, canh giữ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Giờ đây, cuộc mưu sinh trên biển đối với bà con ngư dân không còn thuận buồm xuôi gió như ngày trước. Bởi lẽ, nguồn lợi thủy sản không còn dồi dào, thiên tai và những hiểm họa khác luôn rình rập bên mạn tàu. Nhưng rồi những cam go, khắc nghiệt ấy không làm chùn bước những con người coi biển là một phần máu thịt, nguồn sống của mình, mà còn rạng ngời một niềm tin trước mỗi chuyển ra khơi.
 
Bến cá Nghĩa Phú
Bến cá Nghĩa Phú.
Ngư dân Lê Văn Hóa (52 tuổi), chủ tàu QNg 2941-TS ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa), có hơn 30 năm làm nghề biển nhưng với những chuyến ra khơi đầu năm luôn tạo cho ông nhiều cảm xúc.

Cũng như bao ngư dân khác, sau khi chuẩn bị đầy đủ phí tổn, nhu yếu phẩm cần thiết cho khoảng 30 ngày lênh đênh trên biển, ông và những người đi bạn đều thắp nén hương khấn vái cầu cho trời yên biển lặng, cá tôm đánh bắt đầy ắp khoang tàu.

Ông Hóa thổ lộ: -Đấy là tục lệ, nét đẹp văn hóa của cư dân miền biển. Chính điều này đã tạo cho mỗi ngư dân một niềm tin vô tận trước mỗi chuyến ra khơi.
 
Ăn cơm trưa trên boong tàu
Ăn cơm trưa trên boong tàu
Anh con trai của ông Hóa là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM tuy thật sự lo lắng cho công việc của bố trước những hiểm họa nơi biển cả nhưng anh vẫn gửi trọn một niềm tin. Anh nói: “Đánh bắt thủy hải sản không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, gắn bó với người dân vùng biển hàng ngàn năm qua. Mà đã là nghiệp thì chắc rằng bố tôi sẽ không bao giờ từ bỏ khi sức khỏe vẫn còn. Chính cái nghề này mà bố tôi có điều kiện nuôi anh em tôi ăn học khôn lớn thành người đấy ”.

Đây không phải những là trường hợp cá biệt mà ở vùng biển Quảng Ngãi bây giờ có rất  nhiều gia đình như thế. Bởi lẽ, ngoài sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo họ còn được Nhà nước tiếp sức bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt. Điều đáng mừng ở đây là, họ không chỉ biết làm giàu cho họ mà còn lo cho cộng đồng xã hội, coi đây như là một trách nhiệm.

TIN LIÊN QUAN
Còn với ngư dân Phạm Rồi có tàu làm nghề câu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thì bày tỏ: Chuyện lên tàu ra khơi bây giờ đối với ngư dân chúng tôi không chỉ đơn giản là để mưu sinh nuôi sống gia đình mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ canh giữ một phần lãnh thổ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Điều đó không ai giao phó nhưng đấy là trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi một người dân Việt Nam.

Có lẽ vì thế mà bao hiểm nguy nơi biển cả vẫn không ngăn được bước chân của bà con ngư dân Quảng Ngãi. Không ít gia đình mất người thân, tài sản cũng không còn nhưng cũng đành nén nỗi đau trong lòng, tiếp tục bám biển mưu sinh.

Xóm “không chồng” ở Cù Lao- Bình Chánh (Bình Sơn) là thế. Cơn lốc biển trong thập niên 90 của thế kỷ trước đã cướp đi người cha, người chồng và những người con thân yêu của hàng chục gia đình nơi đây. Hay như cơn bão Chanchu đi qua đã để lại bao đau thương, mất mát cho người dân Nghĩa An...

Tưởng chừng như thế sẽ làm cho bà con ngư dân không còn đủ sức để gượng dậy. Nhưng không, biển vẫn là nguồn sống nên hàng ngàn con tàu của Quảng Ngãi vẫn vượt sóng ra khơi. Cuộc sống ngư dân ngày một no đủ, nhiều ngôi nhà bạc tỷ được mọc lên, làm cho làng biển ngày càng trù phú, như Định Tân (Bình Châu), Sa Kỳ (Tịnh Kỳ), Cổ Lũy (Nghĩa Phú), Thạch By (Phổ Thạnh)…

 “Giờ đây, ngư dân chúng tôi không ra đi đơn lẻ như trước kia mà hình thành nên những đội tàu công suất lớn, có đầy đủ tiện nghi, nhu yếu phẩm để khai thác dài ngày nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, hạn chế được những hiểm nguy”- ngư dân Phùng Xuân Liệu ở xã An Bình, huyện Lý Sơn nói.

Vì thế, ngày hội ra quân đánh bắt đầu năm nay trên các vùng biển Quảng Ngãi diễn ra khá sôi nổi. Tại bến cá Nghĩa Phú, những ngày trong và sau Tết vẫn luôn nhộn nhịp tàu ra vào vì được mùa cá. Nhiều chủ tàu tranh thủ thời gian cập bến lấy phí tổn tổ chức cho anh em ăn trưa ngay trên boong tàu để kịp ra khơi đánh bắt ngay trong đêm. Ngư dân Lê Của ở xã Tịnh Kỳ thổ lộ: “Quay vòng như thế rất vất vả nhưng nhờ cá có giá nên cũng kích thích anh em đi làm”.
 
Ăn cơm trưa trên boong tàu
Khuân đá lạnh
 
Hàng chục nhà máy đá ở đây hoạt động hết công suất ngay từ sáng mùng 1 Tết mới đáp ứng nhu cầu đá lạnh cho các tàu. “Trung bình mỗi tàu đi gần bờ cần khoảng 30 cây đá, còn đánh xa bờ thì trên 50 cây. Giá 1 cây đá là 13.000đ, cao hơn năm 2009 là 1.000đ”- chị Hương, một người chuyên cung cấp đá ở đây cho biết.

Người lao động phổ thông ở đây những ngày qua cũng không rỗi việc. Ngay từ 5h sáng có gần 50 người đàn ông chờ được thuê vác đá lạnh lên tàu. Trung bình một buổi sáng những người này vác được từ 50 đến 70 cây, được các chủ nhà máy đá hoặc các đầu nậu trả tiền công từ 50.000 – 70.000đ.

Ông Hùng ở xã Nghĩa Hà, người có thâm niên khuân vác đá lạnh ở đây gần 20 năm nói: “Tuy vất vả nhưng có việc làm là tốt làm rồi. Mong sao biển luôn dang rộng vòng tay, vẫy gọi tàu vượt sóng ra khơi để những người lao động như chúng tôi khỏi thất nghiệp”./.

.