Mùa ra lớp- Kỳ 1: Học ở điểm trường lẻ

10:09, 29/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học mới đã bắt đầu. Khác với những năm trước, khi thầy cô giáo ở miền núi phải lặn lội đến từng thôn, làng để vận động học sinh ra lớp, thì năm học này từ điểm trường chính đến những lớp học ở nhà dân thuộc những điểm trường lẻ tất cả đều kín lớp. Các thầy cô giáo vui mừng, động viên học trò vượt qua khó khăn để trường lớp luôn đông đủ, còn học sinh thì nỗ lực kiên trì trong thiếu thốn từ cái ăn đến chỗ ở để bám theo con chữ với hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Học ở điểm trường lẻ


Những ai chưa quen với đèo dốc thì khi nói đến điểm trường lẻ ở miền núi sẽ không cảm nhận được nỗi gian truân. Với chúng tôi, thậm chí là những thầy cô giáo có thâm niên ở miền núi cũng phải “ớn lạnh”.  Vào mùa mưa thì đường đến các điểm trường càng xa xôi hơn.

 

Lớp học ở nhà dân

Xe bon trên mặt đường Đông Trường Sơn qua địa bàn huyện Sơn Tây phẳng lì men theo sườn núi thật êm ả. Nhưng rồi cảm giác đó tan biến khi xe rẽ vào con đường mòn cheo leo dốc đứng để vào một điểm trường lẻ. Theo chân cô giáo Sở từ điểm trường chính, chúng tôi vào điểm Trường mầm non Tập đoàn 2, thôn Huy Ralung, xã Sơn Mùa.  

 

Để có đồ dùng dạy học và đồ chơi cho các em, các cô giáo mầm non phải tự tay sáng chế từ những vật dụng hằng ngày.
Để có đồ dùng dạy học và đồ chơi cho các em, các cô giáo mầm non phải tự tay sáng chế từ những vật dụng hằng ngày.


Sau một hồi leo dốc, chúng tôi cũng đến được với lớp học. Căn nhà nhỏ rất tạm bợ  nằm chênh vênh trên dốc núi là nơi học tập của gần 20 cháu nhỏ vùng cao này. Cô giáo Đinh Thị Uông đứng lớp ở đây cho biết, lớp học này vừa được thành lập được chục ngày nên cô chưa thể trang trí cũng như làm đồ chơi cho các cháu. Năm học trước, ở vùng này có một ngôi nhà khác làm trường học. Đầu năm học này, do số lượng trẻ em nhiều nên phải tách làm 2 lớp. Cũng may là được chị Đinh Thị Liên cho mượn ngôi nhà này, nếu không thì phải dựng tạm lớp bằng tranh nứa.

Trong lớp học, hầu như không có bất cứ vật dụng gì ngoài những chiếc ghế nhỏ, một cái bàn cho giáo viên và một tấm ảnh Bác Hồ treo trên tường. Bên ngoài, một khoảng sân trống cũng chỉ bằng bên trong lớp học, không có bất cứ một thứ gì các cháu có thể vui chơi được. Dù vậy, cô và trò vẫn quây quần trong căn nhà nhỏ tập hát, tập đọc chữ trong không khí rộn ràng mặc cho những tia nắng xuyên qua những tấm phên đi vào lớp học. Những đôi mắt hồn nhiên của những cháu nhỏ nơi đây vẫn vô tư nhưng chất chứa một nỗi niềm sâu thẳm, như cảm nhận được tương lai của mình.

 Rời lớp học, chúng tôi tiếp tục hành trình về hướng nam theo đường Đông Trường Sơn  về xã Sơn Dung. Dừng chân tại ngôi nhà sàn của ông Đinh Văn Ló, thôn Đắk Trên. Đây cũng là lớp học mới hình thành chưa được nửa tháng. Khác với sự đơn sơ, tạm bợ của lớp học trước, ngôi nhà kiên cố, rộng rãi nằm cạnh đường lớn rất thuận lợi cho học sinh đến lớp. Vì vậy, mới đầu năm học, nhưng đã có 24 cháu nhỏ được cha mẹ đưa đến học. Cô Đinh Thị Hải, chủ nhiệm ở đây nói rằng, năm ngoái trường nằm ở dưới con dốc nên đi lại rất khó khăn. Năm nay được người dân cho mượn ngôi nhà để làm lớp học nên rất thuận lợi. Còn cô giáo Đinh Thị Trang Thảo – Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Dung cho biết, trên địa bàn xã còn có 4 lớp học cũng phải mượn nhà dân trong năm học này.

Những tấm lòng nhân ái

Hôm chúng tôi đến trường thì vợ chồng ông Đinh Văn Ló cũng đến thăm lớp học trong căn nhà của mình. “Các cháu nhỏ đi học khó khăn quá, năm nay tôi cho mượn ngôi nhà cho các cháu học, gia đình có một căn nhà khác ở rồi”, ông Ló bộc bạch. Còn chị Đinh Thị Liên nhường lại nhà cho con em ở thôn Huy Ralung học tập thì chia sẻ: “Bọn trẻ còn nhỏ quá, đi học xa đâu có được, mình thấy thương nên cho cô giáo mượn nhà để làm lớp học dạy cái chữ cho các cháu, còn mình đến ở nhà cha mẹ”.

 

 Lớp học tại ngôi nhà của chị Đinh Thị Liên ở điểm trường Huy Ralung, Trường mẫu giáo Hoa Pơniêng (Sơn Mùa, Sơn Tây).
Lớp học tại ngôi nhà của chị Đinh Thị Liên ở điểm trường Huy Ralung, Trường mẫu giáo Hoa Pơniêng (Sơn Mùa, Sơn Tây).


Ông Lê Hoài Thạnh – Trường Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết, năm học mới này cấp học mầm non có đến 31 điểm trường phải học tạm hoặc nhờ nhà dân. Trong đó có hơn chục lớp học được những người dân cho mượn nhà. “Tuy là học tạm, học nhờ nhưng đã tạo thuận lợi rất lớn giúp các cháu tuổi mầm non ra lớp đúng độ tuổi và không một cháu nào phải ở nhà do trường xa”, ông Thạnh phấn khởi, cho biết.

Tất cả các điểm trường lẻ đều nằm ở các khu dân cư tập trung nên chuyện đến lớp của các cháu thuận lợi hơn, cha mẹ của các cháu cũng đỡ vất vả đưa đón con đến trường. Chỉ có những cô giáo đứng lớp ở những điểm trường này thì vất vả hơn. Tuy vậy, các giáo viên được phân công đứng lớp cũng cảm thấy ấm lòng vì học sinh đến lớp ngày càng đông, sự quan tâm của người dân đến chuyện học của con em ngày một được nâng lên.

Những cô giáo đa năng

Trước đây, sự nghiệp giáo dục ở các huyện miền núi luôn được biết đến với đội ngũ “giáo viên cắm bản”. Lực lượng này đã góp phần làm nên kỳ tích nếu không muốn nói là một huyền thoại trong sự nghiệp đưa con chữ đến với con em vùng cao. Giờ đây, khi nhắc đến “giáo viên cắm bản”, nhiều người xem là ký ức, hoài niệm về một thời gian khó nhưng cũng thật vinh quang. Nhưng ở những điểm trường lẻ thì ký ức ấy dường như vẫn còn đang hiện hữu. Nếu “giáo viên cắm bản” phải nhọc nhằn, băng rừng lội suối đến với con em đồng bào, thì những cô giáo đứng lớp ở điểm trường lẻ lại là những người… đa năng. Ngoài chuyện dạy chữ cho các cháu nhỏ, hầu như các cô giáo mầm non đều phải là nhạc sĩ, vũ công, họa sĩ, thậm chí là những nhà “sáng chế” đa tài.

Ở những điểm trường lẻ, ngoài những chiếc ghế nhỏ cho các cháu ngồi thì những kệ đồ chơi, những bức tranh treo tường hay những chùm hoa trên cửa, trên trần nhà đều do cô giáo tự tay làm ra. Chúng tôi cảm thấy thú vị với những loại đồ chơi như chiếc đàn được làm từ vỏ chai nước rửa chén, chiếc trống cơm được làm từ vỏ thùng giấy và rất nhiều đồ chơi tự tạo khác được làm từ các vật dụng bỏ đi.

Do điều kiện còn quá thiếu thốn nên những đồ dùng học tập, đồ chơi cho các cháu ở những điểm trường lẻ vô cùng thiếu thốn nếu không muốn nói là chẳng có gì. Vì thế, các cô giáo phải trở thành nhà sáng chế. Ở cấp học mầm non, nếu không có đồ dùng học tập trực quan, những đồ chơi cho các cháu thì việc dạy học rất khó khăn. Và quan trọng hơn là các cháu sẽ không muốn đến lớp. Trong điều kiện thiếu thốn ấy, chính những cô giáo đứng lớp phải tự tạo ra những trò chơi cho các cháu. Cô giáo Đinh Thị Hải tại điểm trường Đăkdrinh, xã Sơn Dung cho biết, buổi tối về cô phải gom góp những vỏ chai nhựa, những thùng bánh đã sử dụng... để làm các đồ dùng học tập, đồ chơi cho các cháu.

 

 XUÂN THIÊN


*Kỳ 2:  Ăn, ở nơi điểm trường chính
 


CÁC TIN KHÁC
.