Cần quan tâm đội ngũ chuyên trách dân số

03:04, 24/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Quảng Ngãi luôn đạt, vượt các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Ngoài việc triển khai nhiều chương trình hoạt động thì sự đóng góp của đội ngũ chuyên trách dân số tại các xã, phường và trên 1.700 cộng tác viên (CTV) rất lớn.
Từ năm 1999 đến nay, bà Nguyễn Thị Vọng (1966) gắn bó với công tác DS-KHHGĐ xã Ba Cung (Ba Tơ). Ban đầu, bà gặp rất nhiều khó khăn bởi trên địa bàn xã đồng bào Hrê chiếm 86%, đi lại vất vả. Hơn 20 năm liên tục làm chuyên trách, bà Vọng cho biết: “Công tác DS cơ sở thực hiện nhiều việc như nắm số liệu DS, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đã lập gia đình, thực hiện các biện pháp tránh thai, các cặp vợ chồng sinh con một bề, số lượng sinh con thứ 3, bà mẹ và trẻ em được sàng lọc trước sinh, số người chuyển đến, chuyển đi, số người chết, người cao tuổi...
 
Với đặc thù tại miền núi, do nhận thức, trình độ còn thấp, nhiều người chưa hiểu về công tác DS, nên thiếu sự hợp tác. Để thay đổi suy nghĩ của người dân, tôi và cộng tác viên phải đến từng nhà kiên nhẫn tuyên truyền, vận động”. 
 
Tập huấn kiến thức cho đội ngũ phụ trách dân số. Ảnh: B.Hòa
Tập huấn kiến thức cho đội ngũ phụ trách dân số. Ảnh: B.Hòa
 
Đến nay, nhờ nỗ lực tuyên truyền về DS, người dân địa phương đã dần hiểu lợi ích của các chương trình KHHGĐ. Bà Vọng lại tập trung tuyên truyền sức khỏe sinh sản, vị thành niên, chăm sóc dinh dưỡng để góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn xã. “Với ngành dân số, nếu không có lòng yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm thì khó mà gắn bó lâu dài bởi công việc nhiều, mức thù lao lại thấp. Từ đầu năm 2020 đến nay, tôi chưa được nhận thù lao công việc, nhưng vẫn cố gắng bám địa bàn, theo dõi để cập nhật số liệu, thông tin”, bà Vọng trải lòng.
 
Không chỉ tại miền núi, công tác DS nói chung tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Gần 12 năm phụ trách DS phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), nhưng hiện nay chị Nguyễn Thị Xuân Hòa (1988) chỉ nhận thù lao công tác DS được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng (thêm các khoản thù lao khác được gần 4 triệu đồng-PV). Để trang trải cuộc sống ở phố thị, chị Hòa phải kinh doanh thêm online. “Khối lượng công việc nhiều, cần sự tỉ mỉ, nên chiếm hết cả ngày. Nếu không nỗ lực, trách nhiệm với công việc thì rất dễ nản lòng”, chị Hòa chia sẻ.
 
Trực tiếp hoạt động tại các thôn, khu dân cư, những người làm công tác DS phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", để đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến người dân. Qua những số liệu cập nhật, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đã góp phần giúp các ban, ngành đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực đến từng đối tượng trong từng giai đoạn của địa phương.
 
Mặc dù công việc nhiều, nhưng mức thù lao dành cho đội ngũ này còn thấp, thiệt thòi về các chế độ. Tại Quảng Ngãi, chuyên trách DS xã từ năm 2015 được nhận phụ cấp 1,25 so với mức lương tối thiểu, còn cộng tác viên DS được trả thù lao 210.000 đồng/tháng. Do đó, trong thời gian qua, đội ngũ CTV dân số thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động của chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ.
 
Trong giai đoạn chuyển hướng sang DS và phát triển, để công tác này đạt hiệu quả cao, cần duy trì ổn định đội ngũ và chế độ phụ cấp cho lực lượng chuyên trách DS cơ sở theo mức quy định tại Quyết định 26/2014/QĐ-UBND ngày 9.6.2014 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, cần chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về kỹ năng quản lý và truyền thông giúp đội ngũ vận động, tuyên truyền hiệu quả hơn; đồng thời đẩy mạnh lồng ghép công tác DS vào các kế hoạch phát triển, để góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh.
 
 B.HÒA - TR.TUYẾT
 
 
 

.