Một số bệnh về mắt đối với học sinh

09:12, 04/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mắt đóng vai trò rất quan trọng, là cơ quan thị giác thực hiện chức năng nhìn, quan sát, thu nhận lại hình ảnh của sự vật, màu sắc để chuyển vào não bộ xử lý và lưu trữ. Mắt rất dễ bị tổn thương và gây bệnh; các căn bệnh mắt có thể đem lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng học tập của các em.

TIN LIÊN QUAN

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm, cho biết: Bệnh về mắt thường gặp ở học sinh là tật khúc xạ. Khi mắt bị tật khúc xạ sẽ làm mắt các em có thị lực kém và biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể nhức đầu, nhức mắt. Trong lớp học, các em không nhìn rõ chữ trên bảng, hay cúi đầu gần sách, chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, dẫn đến học lực kém.

Hai là, chấn thương mắt, học sinh thường hiếu động, nên các em dễ bị va chạm gây chấn thương ở mắt, hoặc do hóa chất trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, còn hay gặp bệnh đau mắt đỏ, mà nguyên nhân hay gặp nhất là do viêm kết mạc do vi rút gọi là bệnh đau mắt đỏ. Bệnh này thường không nguy hiểm, nhưng gây khó chịu cho các em học sinh.

Tật khúc xạ là một trong những bệnh về mắt thường gặp ở lứa tuổi học đường.
Tật khúc xạ là một trong những bệnh về mắt thường gặp ở lứa tuổi học đường.


Áp lực và cường độ học tập liên tục, chế độ sinh hoạt không hợp lý; điều kiện vệ sinh, ánh sáng phòng học, bàn ghế nơi các em học chưa đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các yếu tố môi trường khói bụi, ánh sáng mặt trời, hóa chất là những nguyên nhân chính làm mắt các em dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và học tập.

Để phòng tránh các bệnh về mắt cho các em, bác sĩ Tâm nhấn mạnh: Điều kiện học tập như bàn ghế, phải đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp với từng lứa tuổi. Ánh sáng ở lớp học và góc học tập ở nhà phải đầy đủ ánh sáng. Khi học, các em phải ngồi tư thế đúng lưng thẳng, đầu hơi cúi về phía trước, giữ khoảng cách từ mắt đến vở.

Cụ thể là,  đối với học sinh lớp 1 thì khoảng cách đó là 25cm; cấp 2 là 30cm và cấp 3 là 35cm. Cho mắt nghỉ ngơi và thường xuyên tập thể dục cho mắt như nhắm mở mắt liên tục, nhìn khoảng cách xa; chế độ dinh dưỡng phải đầy đủ, hợp lý. Các em cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bệnh về mắt, đặc biệt những em đã có tật khúc xạ rồi thì phải đeo kính cho phù hợp và đi kiểm tra thường xuyên.

Các bậc cha mẹ chú ý khi thấy trẻ có biểu hiện hay nheo mắt, chói mắt... có biểu hiện nhức đầu; chảy nước mắt, luôn có xu hướng muốn nhìn gần; có thể chép nhầm bài và kém hiệu quả trong các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ hình, tập đọc... những trường hợp này, cần đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám, phát hiện sớm và có phương hướng điều trị thích hợp.

Bài, ảnh: An Hảo


 


.