Phòng và kiểm soát trẻ cận thị

03:10, 31/10/2015
.

Cận thị là sự suy giảm khả năng nhìn xa, trong đó ảnh của sự vật không rơi đúng vào võng mạc mà rơi ra phía trước võng mạc, phải nhìn một thấu kính phân kỳ để nhìn rõ nét.
 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ


Cận thị là sự suy giảm khả năng nhìn xa, trong đó ảnh của sự vật không rơi đúng vào võng mạc mà rơi ra phía trước võng mạc, phải nhìn một thấu kính phân kỳ để nhìn rõ nét. Cận thị học đường bắt đầu hình thành đầu cấp ll, tăng dần theo năm tháng đi học, mỗi năm 0,5-1 độ, dừng lại khoảng 6 độ. Cá biệt cũng có trường hợp cận đến 10 độ hoặc hơn không thể đeo đúng số, luôn luôn phải cố gắng chỉnh kính.

Những biểu hiện cho thấy trẻ bị cận thị

Đa phần trẻ thường có biểu hiện nheo mắt, nghiêng đầu. Trẻ hay chói mắt, dụi mắt, chảy nước mắt...; trẻ không nhìn rõ mọi vật ở khoảng cách trên 1m; trong khi học bài trẻ có xu hướng dí sát mặt vào cuốn sách do không nhìn rõ chữ; học tập giảm sút, kém tập trung, nhanh mỏi mắt do khả năng điều tiết của mắt kém, có thể dẫn tới đau nhức mắt và đau đầu. Các hoạt động sinh hoạt và học tập trong thời gian dài nhìn gần cường độ cao còn làm tăng số cận.

 

Khi bị cận thị, hình ảnh được tập trung ở phía trước võng mạc nên phải dùng kính để điều chỉnh.
Khi bị cận thị, hình ảnh được tập trung ở phía trước võng mạc nên phải dùng kính để điều chỉnh.



Nguyên nhân gây bệnh cận thị ở trẻ

Yếu tố di truyền: Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con là rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con là 100%.

Yếu tố môi trường và lối sống: Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cận thị ở trẻ em. Trẻ xem tivi và đọc sách trong một thời gian dài hơn một giờ đồng hồ; trẻ thiếu ngủ hoặc ngủ ít; tư thế ngồi học không đúng; học tập và sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng; trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng.

Cách phòng bệnh cận thị ở trẻ em

Đảm bảo đủ ánh sáng. Ánh sáng tốt là cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống cận thị. Sử dụng càng nhiều ánh sáng càng tốt khi trẻ đọc hoặc viết, miễn là ánh sáng thích hợp không quá chói hoặc quá mờ. Cả hai đều làm ảnh hưởng đến mắt.

Giữ mắt đọc và viết tối thiểu cách xa 30cm. Ngồi cách khoảng 50cm với máy tính và tivi, không được xem quá sát.

Tránh đọc truyện với phông chữ nhỏ hoặc mờ, không vừa ăn vừa đọc, vừa đi vừa xem, không nằm xuống đọc, hầu hết trẻ đều có thói quen nằm trên giường để đọc sách, đọc truyện hoặc nằm ra sàn nhà, điều này sẽ khiến mắt của trẻ bị mỏi.

Mắt cần được nghỉ một lát, nhìn ra xa thư giãn sau một giờ đọc sách, xem tivi.

Ngủ sớm, ngủ đủ giấc và đúng giờ.

Học kết hợp với vui chơi và hoạt động ngoại khóa, luyện tập thể dục thể thao sẽ làm hạn chế gia tăng cận thị.

Chăm sóc dinh dưỡng đúng và đủ: vitamin A-C-E, khoáng chất, kẽm, selen...

Điều trị cận thị

Một trong những phương pháp điều trị để ngăn ngừa độ tiến triển của cận thị là điều trị bằng laser năng lượng thấp và tập luyện với những trường hợp cận thị ở mức vừa và nặng, đồng thời có thể chữa khỏi khi người bệnh ở mức cận thị nhẹ, được phát hiện sớm.

Phương pháp dùng laser năng lượng thấp điều trị cận thị là phương pháp sử dụng laser có độ dài bước sóng 1,3 micromet tác động gián tiếp xuyên qua củng mạc kích thích cơ thể mi kết hợp luyện tập điều tiết trên máy dựa trên nguyên tắc tăng cường tuần hoàn, tăng cường trao đổi chất của cơ điều tiết giúp ổn định độ cận thị và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Phương pháp này người bệnh sẽ được điều trị trong thời gian khoảng 10-15 phút/ngày, một ngày có thể điều trị 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 phút trong vòng 7 ngày. Người bệnh được điều trị ngoại trú, điều trị lại sau 6 tháng trong khoảng 2 năm. Trong và sau điều trị, người bệnh không cảm thấy đau, không có biến chứng và tác dụng phụ. Sau mỗi đợt điều trị, người bệnh sẽ không phải đeo kính hoặc giảm được số kính cận thị, giảm triệu chứng mỏi mắt và tăng cường chức năng điều tiết của mắt. Quan trọng hơn, về lâu dài, người bệnh sẽ ổn định được tình trạng cận thị, hạn chế tăng số kính cận và ngăn ngừa những biến chứng ở mắt do cận thị gây ra. Phương pháp này có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi có độ cận thị từ -0,25 đến -6 điốp. Theo lời khuyên của bác sĩ, sau khi điều trị và ngay cả trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện nghiêm túc những biện pháp bảo vệ mắt và giữ đúng phong cách sinh hoạt, học tập có lợi cho mắt như đã nói ở trên. 
 

Đeo kính là một trong những biện pháp cần thiết để điều chỉnh tật cận thị, ổn định số kính và đề phòng biến chứng. Nếu đeo kính cận thích hợp (số đo mắt kính phù hợp, mài lắp đúng tâm, gọng phải sát trên mũi, song song với trán) cận thị sẽ tiến triển chậm (không tăng số). Tuy nhiên, đeo kính không thể làm dừng lại mức độ tăng số kính mà nó chỉ điều trị mức độ quang học. Nếu thị lực kém đi phải tăng số kính cận có nghĩa là độ cận thị nặng thêm. Ngoài việc chỉnh kính nhằm hạn chế độ cận thị tiến triển, tùy từng trường hợp bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn cụ thể cho bệnh nhân phương pháp điều trị thích hợp.

 

Theo BS. Nguyễn Hồng Minh/SKĐS

 


.