Xây dựng nông thôn mới: Phát huy nguồn lực từ sức trẻ

01:08, 30/08/2012
.

(QNg)- Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta đang có sự đóng góp của rất nhiều cấp, ngành và người dân. Trong đó lực lượng thanh niên có vai trò khá quan trọng.
 

TIN LIÊN QUAN


Chủ động làm giàu tại quê hương

Năng động, sáng tạo, Huỳnh Anh Trúc (1982) ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) trở thành chủ cơ sở sản xuất nhôm-kính-sắt mang lại hiệu quả kinh tế cao khi còn rất trẻ tuổi tại địa phương. Anh cho biết, từ việc nắm bắt nhu cầu xây nhà của người dân thay đổi theo hình thức mới, anh đã mở cơ sở sản xuất nhôm-kính-sắt.

 

Thanh niên nông thôn, lực lượng xung kích trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Thanh niên nông thôn, lực lượng xung kích trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Hơn 6 năm đẩy mạnh sản xuất, với nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, hiện tại sản phẩm tủ nhôm, kính, cửa sắt... của anh không chỉ cung cấp tại địa phương,  mà còn vươn xa trên địa bàn toàn tỉnh. Những nỗ lực tìm kiếm thị trường của anh không chỉ giúp việc kinh doanh có hiệu quả, mà còn tạo việc làm cho 6 lao động chính và gần 10 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng - 1,7 triệàu đồng/người/ tháng góp phần giảm tỷ lệ thanh niên bỏ địa phương đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, anh còn kết hợp chăn nuôi heo, gà, bò lai sind, trồng  keo lai... Từ mô hình phát triển kinh tế này, mỗi năm đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh Trúc gần 200 triệu đồng.  

Anh Trúc chia sẻ, những năm tới anh sẽ tăng thêm diện tích nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản phẩm ngày một cải tiến, đẹp về mẫu mã, phong phú về chủng loại, tạo việc làm cho nhiều lao động trẻ, để giữ được thanh niên xã nhà ở lại địa phương làm ăn, phát triển kinh tế,  góp phần xây dựng quê hương.

Cũng giống như anh Trúc, xuất phát từ nhu cầu thưởng thức các loại hải sản tươi sống trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất, anh Phan Thanh Vĩnh (1977) ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá mú và ghẹ bằng lồng bè. Hiện tại anh đầu tư 6 bè, diện tích mỗi bè  45m2 dùng để nuôi ghẹ và nuôi cá mú. Tổng lợi nhuận thu được từ cá mú và ghẹ khoảng 100 triệu đồng/năm. Mô hình phát triển kinh tế của anh đã giải quyết công việc thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn đứng ra tổ chức thu mua và cung cấp các loại hải sản tươi sống cho các nhà hàng và các doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh.


Điều dễ nhận thấy ở hai bạn trẻ Phan Thanh Vĩnh và Huỳnh Anh Trúc là sự nhạy bén, cầu tiến, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đây là hai gương mặt tiêu biểu trong rất nhiều thanh niên ở tỉnh ta cũng đang có mục tiêu lập nghiệp trên quê nhà.

"Tiếp lửa" xây dựng nông thôn mới

Thay vì chọn nhà máy, xí nghiệp, nơi phố thị để lập nghiệp, hiện nhiều thanh niên nông thôn chọn gắn bó với đồng đất quê hương, quyết chí làm ăn, vươn lên làm giàu. Thực tế, từ sự năng động và nhạy bén, đã xuất hiện những gương điển hình trong phát triển kinh tế. Nhiều thanh niên đã trở thành "ông chủ trẻ". Có những hộ ĐVTN đang là hộ nghèo đã tự ý thức và bắt đầu học hỏi để vươn lên phát triển sản xuất, làm giàu.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã và đang phát huy hiệu quả. Các mô hình sản xuất kinh tế ngày càng đa dạng, từ mô hình VAC đến sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề truyền thống... cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn thanh niên nông thôn. Mỗi mô hình kinh tế thành công đã mở ra nhiều hướng đi mới cho các bạn trẻ nông thôn đang khát khao lập nghiệp, khát khao làm giàu.

Anh Trần Đức Sang- Quyền Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, lực lượng thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn, thông qua các mô hình, hình thức hoạt động của mình, Đoàn Thanh niên đã cùng các cấp, ngành hỗ trợ thanh niên nông thôn kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề. Chính điều này đã góp phần hình thành lớp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, sống lành mạnh, có khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từng bước hạn chế tình trạng thanh niên nông thôn ly hương làm ăn xa.

Những hoạt động cụ thể đó vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần tích cực tạo sức bật xây dựng nông thôn mới.


Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.