Kỳ vọng mới trong đánh giá, xếp loại học sinh

08:06, 16/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và THPT theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT.
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề cho phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại. Trong đó, chú trọng việc xếp loại HS, giảm đầu số điểm, đa dạng hình thức kiểm tra và xem Ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như Toán, Ngữ văn trong xếp loại HS...
 
Đề cao tính nhân văn trong đánh giá HS 
 
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đồng tình với thay đổi cách đánh giá, xếp loại HS theo dự thảo của Bộ GD&ĐT. Theo đó, đánh giá, xếp loại HS bằng nhận xét thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của các em trong quá trình học tập. Việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm HS theo hình thức “yếu” sẽ thay bằng những lời nhận xét nhẹ nhàng, mang ý nghĩa động viên khuyến khích các em như “cần rèn luyện thêm”.
 
Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) Võ Thành Nho nêu quan điểm: Khi đánh giá HS sẽ tác động rất lớn đến tâm sinh lý của các em, thay một lời chê với một thứ bậc được quy định là “yếu” bằng một lời nhận xét, động viên nhẹ nhàng, khích lệ năng lực sẽ giúp các em thay đổi tích cực hơn”. 
 
Học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.     ẢNH: T.P
Học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học. ẢNH: T.P
 
Hiện nay, các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục đang được đánh giá theo hình thức nhận xét kết quả học tập; môn Giáo dục công dân được đánh giá bằng hình thức kết hợp giữa cho điểm và nhận xét kết quả học tập. Các môn học còn lại được đánh giá bằng việc cho điểm. Theo Thông tư dự thảo, Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý thay đổi nội dung “đánh giá bằng cho điểm đối với các môn học còn lại” bằng “kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học còn lại”. 
 
Như vậy, các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý, Ngoại ngữ sẽ được đánh giá theo hình thức kết hợp nhận xét và chấm điểm. Dự thảo cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể về đánh giá bằng hình thức nhận xét và chấm điểm. Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số, giáo viên sẽ nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kỳ, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kỳ, cả năm học.
 
Thay đổi nhận thức của giáo viên
 
Trong dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT xem Ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như Toán, Ngữ văn trong xếp loại HS. Trước sự thay đổi này, đòi hỏi sự thay đổi trước hết phải là đội ngũ giáo viên. Giáo viên dạy môn Ngoại ngữ phải thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ chuyên môn theo chuẩn nghề nghiệp, năng lực. Đó là, phải tiếp cận với khung trình độ ngoại ngữ mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, các trường phải được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai bộ môn Ngoại ngữ đạt hiệu quả. 
 
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn) Lê Tấn Đức cho rằng: Một trong những thay đổi lớn của thông tư lần này là khẳng định tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ngang tầm với các bộ môn Toán và Ngữ văn. Bởi trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ được xem là chìa khóa quan trọng để đi đến thành công. 
 
Để sự thay đổi đạt hiệu quả, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải tự thay đổi chính mình, nâng cao năng lực, dạy học phải bằng cái tâm yêu nghề, mến trẻ. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đến đời sống của đội ngũ giáo viên để họ toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
 
TRỊNH PHƯƠNG 
                                                                      
 
 

.