Buồn cho môn Lịch sử

10:07, 26/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy nhưng, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia nhiều năm trở lại đây, điểm thi môn Lịch sử luôn thấp nhất trong tất cả các môn thi. Đây là nỗi buồn không chỉ đối với những giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, với ngành giáo dục, mà còn là nỗi lo của cả xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Thống kê kết quả Kỳ thi THPT quốc gia trong 4 năm gần đây cho thấy, chưa có năm nào điểm trung bình môn Lịch sử đạt được điểm 5. Cụ thể, năm 2016 điểm trung bình môn Lịch sử là 4,49 điểm, năm 2017 là 4,6 điểm, năm 2018 thì “rớt đáy” thê thảm (3,79 điểm). Riêng năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử cũng chỉ ở mức 4,30 điểm. Trong gần 570 nghìn thí sinh dự thi môn Lịch sử năm nay, chỉ có hơn 6.700 bài thi đạt điểm 8 trở lên, còn lại hơn 70% bài thi đạt điểm dưới trung bình; thậm chí có tới hơn 15 nghìn thí sinh bị điểm “liệt” môn Lịch sử.

Điểm thi bình quân môn Lịch sử trong cả nước thời gian qua quá thấp có thể xem là “lỗi hệ thống” và cho thấy việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy - học tập đối với môn Lịch sử đang có vấn đề. Nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử cho rằng, hiện nay phần lớn học sinh không còn hứng thú với môn Lịch sử. Nguyên nhân là do không có nhiều ngành nghề tuyển dụng đối với môn học này khiến học sinh chỉ học theo kiểu “đối phó”.

Môn học Lịch sử trong trường phổ thông mang nhiều ý nghĩa, giúp  học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Qua đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết quốc tế. Học lịch sử còn giúp các em học sinh hiểu được những giá trị truyền thống, những kinh nghiệm vô cùng phong phú để rút ra những bài học cho hôm nay và mai sau...

Quan trọng là vậy, nhưng vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT của môn này lại thấp. Có phải do môn học này quá khó? Hẳn đó không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân cốt lõi, là bởi tâm lý xem nhẹ môn học Lịch sử từ chính các em học sinh, các bậc phụ huynh, các trường phổ thông…

Bên cạnh đó, kiến thức trong sách giáo khoa lịch sử hiện còn quá nặng nề; phương pháp giảng dạy của giáo viên môn Lịch sử ở các cấp học còn khô cứng, chưa tạo được sự hứng thú đối với học sinh. Thậm chí có nhiều giáo viên (nhất là ở cấp I, II) bắt buộc học sinh phải "học thuộc lòng" bài học lịch sử, khiến học sinh ngán. Ngoài ra, cách thức lựa chọn môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia thời gian qua cũng chưa ổn. Môn lịch sử không được đưa vào những môn thi bắt buộc. Việc này kéo dài rất nhiều năm, dẫn đến học sinh, thậm chí cả giáo viên có quan niệm môn chính, môn phụ. Mà thông thường môn phụ thì ít được quan tâm hơn môn chính, nên dẫn đến hệ lụy điểm môn Lịch sử thấp trong Kỳ thi THPT quốc gia là điều tất yếu.


PHẠM DANH
 


.