Ngành giáo dục: Tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục

02:07, 25/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và tinh giản biên chế trong ngành giáo dục đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với quyết tâm cao, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Tinh giản bộ máy quản lý

Việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, nhất là tinh giản biên chế giáo viên (GV) đứng lớp hiện gặp nhiều khó khăn, do đặc thù của ngành là quy định số lượng GV/lớp, trong khi số lượng học sinh thì tăng, giảm theo từng năm học.

Học sinh Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) tham gia giờ học ngoại khóa.
Học sinh Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) tham gia giờ học ngoại khóa.

Đối với TP.Quảng Ngãi, theo lộ trình từ nay đến năm 2020, đội ngũ GV sẽ thiếu nhiều nếu không tuyển dụng kịp thời. Theo Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, TS.Nguyễn Văn Hưng, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế 10% phải tùy thuộc vào đặc trưng của từng ngành. Riêng ngành giáo dục quy định số lượng GV/lớp cụ thể đối với từng cấp học. Trong khi đó, GV nghỉ hưu theo chế độ thì năm nào cũng có.

Bên cạnh đó, tỉnh ta dừng việc thuyên chuyển GV cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV. Hơn nữa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2020 - 2021, các trường tiểu học phải đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, tương đương với tỷ lệ GV/lớp sẽ tăng từ 1,2 lên 1,5GV/lớp. Do vậy, việc tinh giản 10% biên chế đối với ngành giáo dục sẽ là trở ngại lớn.

Việc tinh giản biên chế chỉ nên tập trung ở bộ máy quản lý trường học. Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện tốt công tác này, trong đó có huyện Nghĩa Hành. Đến nay, mỗi xã trên địa bàn huyện này chỉ còn một trường tiểu học. Việc sắp xếp, tinh gọn lại các trường không chỉ tinh giản được bộ máy quản lý, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Sáp nhập trường, lớp học

Trước đây, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện đưa đón con em đi học thiếu thốn, nên yêu cầu đặt ra là phải hình thành các điểm trường lẻ trong cùng một xã, hoặc mở thêm trường để tạo điều kiện học tập cho học sinh. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện thì mô hình trở nên dàn trải, bộ máy quản lý trường học “phình” ra, việc đầu tư cơ sở vật chất khó khăn, kém hiệu quả, dẫn đến chất lượng giáo dục phát triển chậm và không đồng đều.

Hiện nay, hạ tầng giao thông và điều kiện kinh tế của phụ huynh được nâng lên, nên việc xóa các điểm lẻ, tập trung đầu tư các điểm trường chính là phù hợp với sự phát triển chung. Hơn nữa, việc xóa các điểm trường lẻ, đầu tư cho điểm chính, đưa học sinh học tập trung sẽ giúp các em được hưởng thụ các điều kiện giáo dục tốt nhất mà ở các điểm lẻ không trang bị được. Mặt khác, GV sẽ thuận lợi hơn trong việc lên lớp.  

Sáp nhập trường, lớp học không chỉ tinh giản bộ máy cán bộ quản lý, nhân viên hành chính và một số vị trí khác, mà còn giải quyết tình trạng thiếu GV. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Hữu Liệu cho hay: Cuối năm 2018, huyện sáp nhập 2 trường tiểu học và THCS Sơn Nham thành trường hai cấp học.

Hiện Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện tiếp tục sáp nhập 6 trường tiểu học và THCS ở các xã Sơn Bao, Sơn Giang, Sơn Thủy thành trường hai cấp học. “Khi thực hiện sáp nhập các trường sẽ khắc phục một phần tình trạng thiếu GV. Tuy nhiên, các huyện miền núi sẽ gặp khó trong việc đảm bảo sỉ số học sinh/lớp. Bởi năng lực học sinh miền núi còn hạn chế, nên trách nhiệm của GV sẽ tăng lên khi sỉ số học sinh không đảm bảo theo quy định”, ông Liệu trăn trở.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.