Vượt lên nỗi đau

02:03, 16/03/2013
.

(QNg)- Tháng ba. Nỗi đau vốn được chôn sâu lại ùa về trong mỗi người dân ở Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh). Kể từ ngày quân đội Mỹ giết hại dã man 504 thường dân vô tội ở mảnh đất này cách đây 45 năm, hết lớp đến lớp người dân Sơn Mỹ hòa cùng nỗi thổn thức, đau thương và quyết tâm biến nỗi đau thành hành động.

TIN LIÊN QUAN


Người truyền lửa

 Nhắc đến vụ thảm sát xảy ra ở Sơn Mỹ, ông Tô Văn Lợi (63 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tịnh Khê, rưng rưng nước mắt. Ông Lợi  cho hay, trong số 504 người dân bị giết hại dã man có mẹ và hai đứa em ruột của ông. “Mẹ là Trần Thị Diêm. Hai em là Tô Đình Một, Tô Đình Giỏi. Cả hai em tuổi đời chưa đầy 12 con giáp”, ông Lợi đau xót nói. Ngày mà mẹ, hai em cùng đồng bào Sơn Mỹ bị giết hại, ông Lợi đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng đoàn quân bộ đội Cụ Hồ đóng ở địa bàn xa. Nghe tin dữ, ông trở về quê trong nỗi đau tột cùng.

 

 Thế hệ trẻ ở Sơn Mỹ ra sức học tập để mai này giúp ích cho quê hương, đất nước.
Thế hệ trẻ ở Sơn Mỹ ra sức học tập để mai này giúp ích cho quê hương, đất nước.


 “Khi về không được nhìn thấy thi hài của mẹ và hai em, chỉ thấy cảnh làng quê tang tóc, tiêu điều. Anh trai cả làm du kích xã đã về chôn cất mẹ và em. Hai anh em gặp mặt trong giây lát, ôm nhau khóc nức nở vì nhớ mẹ, thương em… Cuối năm 1968 thì anh hy sinh”, ông Lợi bùi ngùi nhớ lại. “Người dân Sơn Mỹ quyết tâm biến đau thương thành hành động”, ông Tô Văn Lợi dõng dạc nói như thể quyết tâm ấy hòa vào dòng chảy của huyết mạch. Sau vụ thảm sát, đơn vị Z71 nơi ông công tác đã phát động phong trào từng cá nhân đăng ký tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt. Người con của quê hương Sơn Mỹ Tô Văn Lợi vốn căm thù bè lũ cướp nước, bán nước cùng đồng đội vùng lên lập chiến công.

Ông Lợi như thể người “truyền lửa”, thường xuyên gặp mặt và kể cho thế hệ trẻ ở Sơn Mỹ nghe câu chuyện về nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai của làng quê Sơn Mỹ và ngọn lửa của lòng yêu nước nồng nàn. “Người dân Tịnh Khê trước sau như một, người nọ ngã xuống người kia đứng lên, quyết không lùi bước, quyết một lòng kiên trung, bất khuất, trả thù cho đồng bào bị giết hại, quyết xây dựng quê hương giàu đẹp”, vẫn câu nói ấy, suốt nhiều năm liền lão cựu chiến binh Tô Văn Lợi mãi đi “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trên mảnh đất quê hương.

Dưới mái trường Sơn Mỹ

Ở Sơn Mỹ, từ già đến trẻ đều sục sôi ngọn lửa biến đau thương thành hành động. Từ mái trường THPT Sơn Mỹ, thầy và trò ra sức dạy tốt, học tốt.

Thầy giáo Đinh Tấn Hoàng-Phó hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ cho biết, nhà trường lồng ghép lịch sử địa phương vào bộ môn lịch sử để dạy cho học sinh. Cứ đến tháng ba, trong giờ chào cờ, nhà trường kể cho hàng nghìn học sinh nghe chuyện về vụ thảm sát xảy ra ở Sơn Mỹ, để nhắc nhở các em không được quên quá khứ, tiếp tục phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương, ra sức học tập để mai này giúp ích cho quê hương, đất nước. Phó hiệu trưởng Đinh Tấn Hoàng phấn khởi cho biết, tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, chiếm khoảng 25-30% tổng số học sinh đăng ký dự thi. Nhiều em sau tốt nghiệp đã trở về phục vụ quê hương.   

Dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, những người con ở Sơn Mỹ đều không quên nhớ về tháng ba. Nhà nhà, người người, ngay cả những em nhỏ đều đến tượng đài ở Khu chứng tích Sơn Mỹ thắp hương tưởng nhớ 504 thường dân bị sát hại. Cô giáo Võ Thị Hồng Thương (SN 1981), dạy ở Trường THPT Sơn Mỹ, có bà nội bị giết trong vụ thảm sát, bộc bạch: “Quê hương Sơn Mỹ đã gánh chịu quá khứ rất đỗi đau buồn. Tôi muốn góp phần công sức xây dựng quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên”. Cậu học trò Đỗ Tấn Phúc (lớp 12A7, Trường THPT Sơn Mỹ) không đếm xuể số lần đến Khu chứng tích Sơn Mỹ, vậy mà cứ mỗi lần đến là mỗi lần rơi nước mắt. Nhìn thấy những hình ảnh được phục dựng và hiện vật còn sót lại, em cũng như các bạn càng quyết tâm học tập để mai này giúp ích cho quê hương, đất nước.


Bài, ảnh: P.Lý
 


.