"Tai mắt" trên biển

02:05, 10/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với sự có mặt thường xuyên ngoài biển để làm ăn, nhất là các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân Quảng Ngãi đã thực hiện có hiệu quả việc thông tin kịp thời tình hình tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, giúp Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

TIN LIÊN QUAN

Với mỗi ngư dân, bám biển, vươn khơi là cuộc sống, là niềm tự hào khi được làm chủ vùng biển quê hương, tiếp nối nghề truyền thống ông cha. Một trong những ngư dân điển hình thể hiện ý chí ấy là anh Lê Hùng – thuyền trường tàu QNg 96427 TS (thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn). Có thời điểm chỉ trong vòng 1 tháng, tàu anh bị tàu Trung Quốc xua đuổi tới 5 lần. Anh Hùng kể: Trong tháng 12.2015, tàu tôi 5 lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, nhưng chúng tôi quyết không rời ngư trường, vì đó là ngư trường truyền thống của cha ông mình để lại. Cùng với việc khôn khéo đối phó với tàu Trung Quốc để hạn chế thiệt hại, mỗi lần có tàu Trung Quốc xuất hiện xua đuổi là tôi tìm cách né tránh, đồng thời thông báo qua ICOM về Nghiệp đoàn nghề cá An Hải và BĐBP để nắm tình hình và có biện pháp can thiệp.

BĐBP Quảng Ngãi làm nhiệm vụ trên biển.
BĐBP Quảng Ngãi làm nhiệm vụ trên biển.

 

Tại hội nghị triển khai thực hiện việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” vào giữa tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho các ngư dân Lê Hùng, Nguyễn Văn Tẩn và 3 ngư dân khác, gồm: Lê Khởi, Trường Đình Sang và Nguyễn Lộc vì có thành tích xuất sắc tham gia bám biển bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Tẩn – thuyền trưởng tàu QNg 95431 TS (thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu, Bình Sơn) với 25 năm bám biển, ông không biết bao nhiêu lần bị tàu Trung Quốc đe dọa, cướp phá, phun vòi rồng. Dù nhiều lần bị tấn công khiến ông bị thiệt hại khoảng 600 triệu đồng, nhưng ông đã vay mượn 300 triệu đồng để mua sắm ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi, bám trụ những ngư trường truyền thống. Ông Tẩn, cho biết: Khi gặp tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, chúng tôi đều báo tin cho anh em, cùng với cơ quan chức năng biết rõ tọa độ, nhận dạng tàu... để có biện pháp đối phó.

Quảng Ngãi hiện có 5.554 phương tiện đánh bắt hải sản trên biển. Trong đó có hơn 3.000 tàu cá, với hơn 30 nghìn ngư dân đánh bắt xa bờ. Tỉnh ta cũng đã có 10 nghiệp đoàn nghề cá, với hơn 6.000 đoàn viên thường xuyên sát cánh và giúp đỡ nhau trên biển. Đó chính là những ngư dân hằng ngày có mặt trên tuyến đầu của Tổ quốc giữa trùng khơi. Trong 5 năm qua, BĐBP đã nhận được hàng nghìn tin báo và cuộc gọi từ ngoài biển thông báo tình hình có liên quan đến chủ quyền quốc gia, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên biển.

Đại tá Nguyễn Tiến Hải – Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới biển, cùng với việc tiếp nhận những nguồn tin của ngư dân việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, BĐBP cũng ghi nhận, xác minh những thiệt hại của ngư dân do tàu Trung Quốc đập phá, cướp tài sản để Nhà nước có chính sách hỗ trợ những thiệt hại, nhằm động viên, giúp đỡ họ có điều kiện tiếp tục vươn khơi làm ăn, bảo vệ chủ quyền trên biển. Có thể nói, những ngư dân là tai mắt của BĐBP trên biển. Còn BĐBP là chỗ dựa vững chắc cho họ yên tâm bám biển làm ăn.


Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.