Nông dân thành công với Internet

10:07, 13/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi Chương trình "Nông dân với Internet" được triển khai, nhiều nông dân tham gia chương trình đã học hỏi được những điều bổ ích, giúp họ phát triển kinh tế.
Thay đổi tư duy
 
Ở tuổi 75, lão nông Nguyễn Lãnh, ở thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) vẫn mày mò, nghiên cứu và tìm hiểu những mô hình hay, cây trồng mới trên Internet, rồi trồng trên mảnh đất của mình. Mới đây, ông trồng gần 1 sào atiso đỏ; đồng thời thử nghiệm trồng giống chuối tím (chuối tiến vua) và giống ổi tím được mua từ miền Nam về.  
Nhiều nông dân tìm hiểu kiến thức, mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới trên Internet để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Nhiều nông dân tìm hiểu kiến thức, mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới trên Internet để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Trước đó, người dân trong tỉnh biết đến ông Lãnh với mô hình trồng nha đam cho năng suất cao. Ông Lãnh cho biết: “Trên Internet, có nhiều mô hình rất hay. Từ đó, tôi đã dần thay đổi tư duy trong trồng trọt, chăn nuôi. Ví như mô hình trồng ổi tím, chuối tím cũng được tôi học từ trên mạng. Sau khi thấy họ làm, tôi phải lặn lội vào tận miền Nam để học hỏi, mua về. Sau vài tháng triển khai, tôi thấy các cây trồng này cũng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Quảng Ngãi”.
 
Cũng là một trong những nông dân đầu tiên tham gia Chương trình "Nông dân với internet", ông Lâm Văn Chánh, ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đã thành công với mô hình trồng thanh long trên đất bạc màu. Mới đây, ông còn triển khai nuôi trùn quế cung cấp thức ăn cho gia cầm. “Khi Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức triển khai mô hình, tôi liền đối ứng vốn để tham gia. Tuy là mô hình mới, nhưng tôi không ngại vì kiến thức, kinh nghiệm mình có thể học được từ Internet. Ngày trước, cũng nhờ Internet mà tôi đã thành công với mô hình trồng thanh long”.
 
Dẫn lối thành công
 
Với người nông dân, Internet được xem là một công cụ khá hữu hiệu. Bởi khi cần các thông tin, cần biết giá cả thị trường, chỉ cần đến các điểm Internet công cộng ở địa phương là truy cập được. Chính sự thành công mà chương trình đem lại, nên rất nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai rộng rãi.
 
Đơn cử như huyện Nghĩa Hành, ngay sau khi 3 xã Hành Đức, Hành Thiện và Hành Thuận được trung ương và tỉnh hỗ trợ nguồn vốn để thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nông dân với Internet, thì ngay sau đó, huyện tìm nguồn kinh phí để triển khai rộng rãi mô hình này. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành Từ Văn Khánh, từ năm 2015, cả 12 xã, thị trấn của huyện đã có mô hình "Nông dân với Internet". Quá trình triển khai cho thấy, mô hình này mang lại rất nhiều hiệu quả. Những nông dân "chân lấm tay bùn" đã dần thành thạo công nghệ và khai thác rất nhiều kiến thức bổ ích nhằm phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.
 
Xã Bình Long là địa phương đầu tiên của huyện Bình Sơn triển khai Chương trình "Nông dân với Internet". Những năm qua, chương trình đã giúp nhiều nông dân trong xã vươn lên thoát nghèo từ các mô hình mà họ học hỏi, nghiên cứu từ internet. Không chỉ có vậy, nông dân Bình Long còn thành lập các CLB để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Long Phạm Tài Thanh cho biết: “Năm 2014, xã triển khai mô hình nông dân với Internet và cũng từ đó, CLB chăn nuôi gà ra đời. Đến nay, thành viên CLB đã hỗ trợ nhau về đầu ra sản phẩm, về con giống, kỹ thuật chăn nuôi. Điều đáng chú ý là, kiến thức họ đều tham khảo từ trên mạng... Có thể khẳng định, Internet giúp ích rất nhiều cho sự thành công của nông dân”.
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 
 
 

.