Thực hiện tiêu chí số 13 về nông thôn mới: Khai thác thế mạnh địa phương

02:04, 13/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất được xem là cơ hội để khai thác và triển khai thực hiện các thế mạnh của địa phương.
Với 2ha chè, bình quân mỗi ngày ông Đinh Văn Hiên, ở xã Thanh An (Minh Long) thu hoạch khoảng 10 - 15 bó (0,5 kg/bó), bán được từ 80 - 150 nghìn đồng. “Có hợp tác xã thu mua chè với giá cao, lại không ép giá như thương lái, nên người dân rất phấn khởi. Bây giờ, ai cũng thường xuyên lên rẫy chăm sóc và hái chè cẩn thận lắm”, ông Hiên chia sẻ.
 
Năm 2017, nhãn hiệu “Chè Minh Long hương vị đậm đà” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận. Trên cơ sở đó, huyện Minh Long đã triển khai thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long”, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, đóng gói chè đúng quy chuẩn...
 
Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Long Hiệp cũng mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản chè tươi và trở thành “cầu nối” trong việc thu mua, giới thiệu, phân phối sản phẩm chè Minh Long đến các chợ đầu mối, siêu thị...  
 
Phát triển cây chè đã
Phát triển cây chè đã "góp sức" vào việc hoàn thành tiêu chí nông thôn mới của xã Thanh An (Minh Long).
 
Vì vậy, sản lượng, chất lượng chè ngày càng được cải thiện và nâng cao, giúp người dân các xã Long Hiệp, Long Mai, Thanh An yên tâm chăm sóc và mở rộng diện tích trồng chè. “Điều này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như tạo điều kiện để xã Thanh An hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó có tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất”, Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng cho biết.
 
Trong khi đó, xã Trà Phú (Trà Bồng) cũng xem tiêu chí số 13 là cơ hội để khai thác các thế mạnh của địa phương, nhất là lĩnh vực lâm nghiệp và chăn nuôi. Thông qua HTX Chăn nuôi Trà Phú, nhiều mô hình và đối tượng chăn nuôi mới như: Hươu sao, bò lai... được thực hiện và chuyển giao, giúp người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập. Như hộ ông Bùi Cao Nam, ở thôn Phú Long, xã Trà Phú khởi nghiệp với 4 con bò cái lai sinh sản. Nhờ áp dụng kỹ thuật, nên chỉ sau 2 năm, ông Nam sở hữu đàn bò hàng chục con. Ngoài ra, ông Nam còn đầu tư nuôi gia cầm thịt, gia cầm đẻ trứng... nên có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
 
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, tiêu chí số 13 là một trong những tiêu chí khó đối với các địa phương trong tỉnh, nhất là các xã miền núi. Nhưng nhờ tận dụng và khai thác thế mạnh địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi, các HTXNN và tổ hợp tác đã xây dựng và chuyển giao nhiều mô hình kinh tế cho người dân; đồng thời làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức liên kết theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện nay, trừ xã Ba Cung (Ba Tơ), thì 16/17 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2020 đã hoàn thành tiêu chí số 13.
 
“Thực hiện tốt tiêu chí số 13, sẽ tạo động lực để hoàn thành tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.