Chè Minh Long vào siêu thị: Cả vùng chè được hồi sinh

10:11, 23/11/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Cây chè Minh Long sau khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu và chính thức được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã đem đến những tín hiệu khả quan cho người trồng chè. Vùng chè ở Minh Long đã thật sự hồi sinh.

TIN LIÊN QUAN

“Đặt chân” vào siêu thị
 
Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, huyện Minh Long những ngày này luôn tất bật và rộn ràng. Tranh thủ thời gian, các xã viên tập trung về hợp tác xã (HTX) tham gia cắt tỉa, phân loại, đóng gói, gắn bao bì nhãn hiệu cho những chuyến hàng đầu tiên trong tháng 11 này. 
 
Thông tin thương hiệu chè Minh Long được tiêu thụ rộng rãi trong siêu thị Co.opmart- một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất nước của Saigon Co.op, xã viên ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. 
 
Cẩn thận dùng kéo cắt bỏ những lá vàng úa, sâu bọ cắn phá để giữ lại những cành lá dài, tươi, xanh và đẹp nhất cho vào bao nilon, chị Đinh Thị Sơn, thành viên của HTX vui mừng, phấn khởi cho biết: “Nghe tin cây chè tiêu thụ ở siêu thị, bà con vui lắm! Hồi trước, tôi chỉ cần bẻ, chặt cành chè xanh mang về rồi dùng lạc tre, dây rừng bó lại rất đơn giản, nhanh gọn để bán. Bây giờ, đóng gói kỳ công hơn nhưng nghe sản phẩm đưa vào siêu thị có giá cao, cực mấy tôi cũng chịu được”.
 
Chè Minh Long được cắt tỉa và đóng gói để đưa vào siêu thị.
Chè Minh Long được cắt tỉa và đóng gói cẩn thận để đưa vào siêu thị.
 
“Chè vào siêu thị, ngoài chất lượng cũng cần đẹp mắt. Mình phải dùng kéo cắt, tỉa thì bó chè nhìn mới chỉnh chu. Khách hàng nhận gói chè mới hài lòng với đồng tiền mình bỏ ra”, chị Sơn cười nói giòn tan và hướng dẫn cho một vài người khác cùng làm.
 
Các thành viên HTX làm việc bất kể ngày đêm với những chuyến hàng được chở đến liên tục. Có như vậy mới kịp đủ số lượng để chính thức nhập chuyến hàng đầu tiên cho siêu thị vào sáng sớm ngày 22.11. Vì đây là chuyến hàng đầu tiên nên mọi công việc đều hết sức cẩn thận.
 
Bên trong sản phẩm được gắn nhãn mác bắt mắt, cập nhật đầy đủ các thông tin giới thiệu thương hiệu “Chè xanh Minh Long 100% tự nhiên”, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra còn có công dụng, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản và logo sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. 
 
Gói chè Minh Long.
Chè Minh Long được gắn nhãn hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hướng dẫn sử dụng cụ thể. 
 
Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp Nguyễn Đình Dũng cho hay, để chè Minh Long được bảo hộ nhãn hiệu cũng như “đặt chân” vào siêu thị là cả một hành trình gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền các cấp, địa phương, HTX và cả người nông dân trồng chè. 
 
Để có “tấm vé” này, chè Minh Long phải mất nhiều năm giới thiệu sản phẩm trong các kỳ hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu… trong toàn tỉnh, khu vực miền Trung Tây Nguyên, một số tỉnh thành trong nước.
 
“Chính xác, chúng tôi phải mất 8 tháng trời để được cấp mã số chính thức nhập hàng vào siêu thị Co.opmart từ ngày 1.11.2018. Chuyến hàng đầu tiên xuất đi là vào ngày 22.11.2018”, ông Dũng vui mừng kể từng mốc thời gian.
 
Sau chuyến hàng đầu tiên, trung bình mỗi ngày HTX sẽ cung cấp cho siêu thị khoảng 300kg chè xanh. Ngoài Co.opmart Quảng Ngãi, trong vòng vài ngày tới, sản phẩm chè xanh Minh Long sẽ được tiếp tục cung ứng cho siêu thị Co.opmart Bồng Sơn, Co.opmart Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và Co.opmart Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam)...
 
Sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa trong giỏ hàng trong ngày đầu tiên bán ở siêu thị.
Sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa trong ngày đầu tiên bán ở siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi.
 
 
Chị Nguyễn Thị Tâm (43 tuổi), phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi chia sẻ: “Chè xanh Minh Long vào siêu thị, người tiêu dùng như tôi rất an tâm vì xác định được đó là sản phẩm chè sạch, với hương vị thơm ngon đậm đà, vị chát đặc trưng mà không nơi nào sánh được, trước thị trường thật và giả lẫn lộn. Sản phẩm được gói cẩn thận, đẹp mắt với trọng lượng vừa phải để sử dụng vừa đủ cho gia đình mà không lãng phí.
 
 
Cơ hội và thách thức
 
Đi khắp các triền đồi trồng chè ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp nơi có diện tích chè lớn nhất ở huyện Minh Long, không khí thu hoạch, chăm sóc chè trở nên khẩn trương, tất bật hơn. 
 
Vừa thu hoạch xong diện tích chè của vợ chồng, già Đinh Ré lại đến rẫy của các con để phụ giúp. Già cho hay, gia đình già có tất thảy 4ha chè. Dù có thời điểm cây keo, cây mì được giá, già vẫn căn dặn con cháu, dù đói khổ đến mấy cũng không được chặt, phá chè. Bởi, đó là cây trồng truyền thống của quê hương, là thước đo giàu nghèo của gia đình người H're từ xa xưa.
 
“Chắc là hiểu được nguyện vọng của những người như tôi, Giàng đã thay đổi số phận cho cây chè, phát triển đời sống kinh tế cho dân làng H're ở Minh Long”, già Ré nói tiếng được, tiếng mất vì quá vui mừng. 
 
Không vui mừng sao được khi trước đây chè xanh bán cho thương lái bên ngoài chỉ có giá khoảng từ 4.000- 5.000 đồng/bó/kg thì nay được HTX Nông nghiệp Long Hiệp đã bao tiêu đầu ra với giá cao gần gấp đôi, từ 7.000- 8.000 đồng/bó/kg, kể cả thời điểm thị trường chè rớt giá.
 
Cơ hội cho người trồng chè.
Một cơ hội mới cho người trồng chè được mở ra.
 
Lợi nhuận cho người trồng chè là thấy rõ khi sản phẩm có giá cao hơn so với các sản phẩm khác trên địa bàn huyện. Công ăn việc làm của người dân cũng ổn định hơn, thu nhập gia đình cải thiện đáng kể.
 
Bà Đinh Thị Thót, ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp phấn khởi: “Ngày ngày làm siêng đi hái chè phụ giúp con cái, tôi cũng kiếm được hơn 500.000 đồng. Tôi có niềm tin, cây chè rồi sẽ giúp chúng tôi cải thiện được cái nghèo, cái khó và dần “phất” lên” khi được liên kết, tiêu thụ như bây giờ”.
 
Chè Minh Long phát triển tự nhiên trong rừng và nương rẫy của đồng bào dân tộc Hre từ lâu đời, có hương vị thơm ngon, ngọt dịu đặc trưng. Đây là loại chè sạch, hoàn toàn không dùng phân bón hay thuốc trừ sâu. 
Sản phẩm được công nhận thương hiệu, chứng nhận VSATTP, tiêu thụ rộng rãi ở siêu thị đã mở ra một cơ hội rất lớn, nâng tầm giá trị cho cây trồng truyền thống của địa phương.
 
Không chỉ người nông dân trồng chè được hưởng lợi mà HTX và doanh nghiệp có sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn để đưa đến tay người tiêu dùng.
 
Để sản phẩm giữ vững được thương hiệu trong thời gian đến, người trồng chè phải luôn chú trọng tập quán canh tác từ bao đời nay vẫn duy trì, đó là không có sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hoàn toàn là sản phẩm sạch. 
 
Để làm được điều đó rất cần đến ý thức của người trồng chè, sự liên kết chặt chẽ giữa HTX, địa phương với người trồng chè từ khâu trồng trọt đến khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần chuyển giao, tập huấn, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong trồng và khai thác đến người trồng để cây chè được phát triển và nhân rộng một cách bền vững.  
 
Với lượng tiêu thụ trung bình như hiện nay, việc mở rộng diện tích trồng chè để có lượng chè cung cấp thường cho HTX Long Hiệp bao tiêu cũng một thách thức lớn đối với huyện. Trên địa bàn huyện Minh Long có khoảng 95ha chè có thể khai thác, đang trồng mới gần 10ha. Riêng diện tích chè mà Sở Khoa học Công nghệ tỉnh hỗ trợ trồng là 6ha. 
 
“Huyện đã có định hướng hàng năm trồng thêm từ 4-5ha. Nếu có nguồn vốn đầu tư, sự hỗ trợ của tỉnh, đến giai đoạn 2020, diện tích chè trên toàn huyện có thể tăng lên khoảng từ 400- 500 ha, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định cho thị trường về lâu dài”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.