Hiệu quả từ mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp

08:04, 02/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, nhiều cơ sở Hội Nông dân của huyện Nghĩa Hành đã thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất. Mô hình này giúp nông dân có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn, gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Giúp nhau phát triển kinh tế
 
Tham gia Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Hành Nhân từ ngày đầu mới thành lập, sau gần 3 năm, anh Nguyễn Đăng Kim, ở thôn Tân Lập đã học hỏi nhiều kinh nghiệm để phát triển vườn cây ăn quả của gia đình. Anh Kim chia sẻ: "Khi biết xã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, tôi đã đăng ký tham gia.
 
Thời điểm đó tôi mới từ TP.Hồ Chí Minh về quê lập nghiệp nên kiến thức về cây trồng còn nhiều hạn chế. Nhờ là hội viên của chi hội nghề nghiệp mà tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây và được các chú, các anh đi trước truyền đạt kinh nghiệm, trang bị cho tôi nhiều kiến thức để phát triển vườn bưởi da xanh, sầu riêng". 
 
Các thành viên Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi trái mùa.
Các thành viên Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi trái mùa.
 
Giữa năm 2017, xã Hành Nhân thành lập Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Đây cũng là chi hội nghề nghiệp đầu tiên của huyện Nghĩa Hành. Ngày mới thành lập, chi hội có 30 thành viên và đến nay, số lượng thành viên đã tăng lên gần 70 người. Những thành viên tham gia chi hội nghề nghiệp đều là những nông dân có cùng ngành nghề trồng cây ăn quả.
 
Trung bình mỗi năm, Chi hội Nghề nghiệp xã Hành Nhân tổ chức từ 7- 8 lớp tập huấn và sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật trồng trọt, cách phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả của các thành viên trong chi hội nghề nghiệp hơn 45ha, với đa dạng các loại cây như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, mít...
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Nhân Nguyễn Hoài Phương cho biết: Sau 3 năm hoạt động, những thành viên trong chi hội nghề nghiệp đều mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Ngoài hỗ trợ  về kỹ thuật trồng trọt, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, chi hội còn xây dựng nguồn quỹ hơn 30 triệu đồng để sinh hoạt và thăm các hội viên bị đau ốm. Chi hội Nghề nghiệp trồng cây ăn quả của xã đã trở thành mái nhà chung cho các hội viên nông dân vừa hỗ trợ, động viên nhau sản xuất, vừa chia sẻ những điều vui, buồn trong cuộc sống.
 
Nhân rộng mô hình
 
Từ điểm sáng ở xã Hành Nhân, nhiều cơ sở Hội Nông dân ở huyện Nghĩa Hành tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ, chi hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện Nghĩa Hành có hơn 10 chi, hội nghề nghiệp và câu lạc bộ chăn nuôi, trồng trọt như Tổ hội Nghề nghiệp “Nuôi - Trồng” ở thị trấn Chợ Chùa, Tổ hội Nghề nghiệp “Sản xuất nuôi trồng” ở xã Hành Đức...
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành Từ Văn Khánh, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp xây dựng trên tiêu chí “5 cùng” là: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động. Mô hình ra đời đã góp phần định hướng sản xuất, phù hợp trong việc xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm.
 
"Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân chủ động hơn trong sản xuất; thúc đẩy việc xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", ông Khánh chia sẻ.
 
Bài, ảnh: H.THU
 
 
 

.