Ứng phó với bệnh khảm lá vi rút trên cây mì

05:04, 01/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có trên 2.700ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Riêng huyện Sơn Hà có gần 2.100ha bị nhiễm. Hiện bệnh khảm lá vi rút trên cây mì đang có chiều hướng lan rộng, nhiều diện tích mì phải nhổ bỏ, khiến nông dân lo lắng...   
Kháng thuốc...
 
Bệnh khảm lá vi rút lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và hom giống lấy từ cây bị bệnh. Điều nguy hiểm nhất là phổ ký chủ của các loài bọ phấn trắng cực kỳ rộng, có khả năng nhiễm tới 600 loài cây thuộc 74 họ thực vật. Trong khi đó, dù có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) diệt trừ được bọ phấn trắng, nhưng hiện vẫn chưa có thuốc BVTV nào được đăng ký phòng trừ bọ phấn trắng trên cây mì. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ bệnh khảm lá vi rút là điều bất khả thi, vì các diện tích mì đã được diệt trừ vẫn tái nhiễm, với mức độ và cường độ lây lan mạnh hơn. 
 
 Nông dân huyện Nghĩa Hành nhổ bỏ cây mì mới trồng bị bệnh khảm lá vi rút .                    Ảnh: THÁI LOAN
Nông dân huyện Nghĩa Hành nhổ bỏ cây mì mới trồng bị bệnh khảm lá vi rút . Ảnh: THÁI LOAN
 
Tại huyện Nghĩa Hành, trong số gần 130ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút, có đến 50ha bị nặng và trung bình, khiến nông dân phải nhổ bỏ. “Gần 1ha mì đang phát triển tốt, bỗng nhiên trên lá xuất hiện các khảm vàng, sau đó lá xoăn, cong queo và nhăn nhúm. Tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để phun, nhưng mì vẫn khô héo, chết dần, phải nhổ bỏ”, bà Trần Thị Cúc, ở xã Hành Thiện cho biết. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Ký, ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) cũng sử dụng nhiều biện pháp, từ phun thuốc BVTV đến việc dùng bao ni lông che chắn, hy vọng cứu hơn 2ha mì đang bị bệnh khảm lá vi rút, nhưng vẫn bị chết dần.
 
Lâu nay, nông dân chủ yếu sử dụng hom giống mì như: KM194, HLS11, HLS22... để trồng. Nhưng phần lớn hom mì được mua ở các tỉnh, lại không được cơ quan chuyên môn kiểm tra và kiểm soát, nên rất dễ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc nông dân sử dụng quá ít và thường xuyên một loại giống mì trên vùng sản xuất lớn, nhưng chưa chú trọng thực hiện công tác vệ sinh đồng ruộng dẫn đến mầm bệnh lây lan.
 
Chọn giống mì mới
 
Đây được xem là giải pháp để ứng phó lâu dài, bền vững với bệnh khảm lá vi rút, mà các nhà nghiên cứu và chuyên môn khuyến cáo. Theo đó, ngành nông nghiệp cần đầu tư nghiên cứu, chọn các giống mì có khả năng kháng được bệnh khảm lá vi rút, như đã từng áp dụng với bệnh chổi rồng. Khi bệnh chổi rồng xuất hiện và gây hại chủ yếu trên giống KM54, khiến người trồng mì điêu đứng, vì các biện pháp phòng trừ đều không có hiệu quả. Nhưng sau khi nghiên cứu, thay thế giống KM140 - giống mì có khả năng kháng bệnh chổi rồng, thì dịch chổi rồng trên cây mì cũng chấm dứt.
 
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi giống mì mới, nông dân có thể áp dụng một số giải pháp để hạn chế sự xuất hiện và lây lan của bệnh khảm lá vi rút. “Nếu nhiễm bệnh khảm lá vi rút trong giai đoạn còn non, cây mì sẽ chết dần, hoặc không cho củ. Nhưng khi cây mì đã lớn, gần thu hoạch mới bị nhiễm bệnh, thì năng suất và chất lượng sẽ giảm từ 1/2 - 2/3 so với bình thường”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá cho biết. Chính vì vậy, với những diện tích mì trưởng thành, có thể thu hoạch được, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tích cực áp dụng các biện pháp điều trị. Còn diện tích mì mới trồng mà bị bệnh, thì phải nhổ và tiêu hủy, sau đó tập trung vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất và chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.
 
Ngoài ra, ngành chuyên môn cần siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo nguồn giống chất lượng, tránh tình trạng hom giống mắc bệnh lây lan ra diện rộng. Bởi các giống mì mắc bệnh khảm lá vi rút nặng là HLS11, HLS22... đều là những giống chưa được ngành chức năng công nhận, nhưng vẫn được bán ra thị trường và nông dân sử dụng nhiều, do hàm lượng tinh bột cao.
 
MỸ HOA
 
 
 

.