(Báo Quảng Ngãi)- Đích đến của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là hiện đại hóa hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, đạt chuẩn NTM chỉ là bước đệm để chính quyền các địa phương tiếp tục vận dụng, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chương trình hành động, tiến tới xây dựng thành công NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.
TIN LIÊN QUAN
Quả ngọt từ gian khó
Giai đoạn 2010 - 2012, khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt đầu triển khai thực hiện, không chỉ người dân, mà chính quyền cơ sở cũng lúng túng. Do chưa hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của NTM, nên người dân chưa tin tưởng, còn chính quyền địa phương thì thiếu quyết tâm, sợ va chạm nên... buông xuôi.
Từ cuối năm 2012, một số địa phương tiên phong trong thực hiện NTM như xã Bình Dương (Bình Sơn), Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) có sự khởi sắc về cơ sở hạ tầng, cũng như cuộc sống người dân, đã thổi luồng gió mới vào phong trào xây dựng NTM. Người dân tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp công sức, kinh phí, cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất...
Từ động lực chương trình xây dựng NTM, người dân đã quan tâm đến việc chỉnh trang vườn nhà, để vừa tăng thu nhập, vừa bảo vệ môi trường. |
Nhờ đó, từ đầu năm 2013, phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng NTM” diễn ra khá sôi nổi, tạo khí thế và động lực cho chính quyền và nhân dân các địa phương. “Sự thành công trong xây dựng NTM của các xã Bình Dương, Nghĩa Lâm cho thấy quyết tâm chính trị, sự đồng thuận của người dân và chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, phải kể đến việc ban hành và thực thi kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ; cũng như huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư xây dựng NTM, đã lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa và lợi ích của phong trào, nên người dân tích cực hưởng ứng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh.
Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đó là: 59 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,7; không còn xã dưới 5 tiêu chí; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện; nhiều mô hình phát triển sản xuất phát huy hiệu quả... Vì vậy, diện mạo nông thôn dần khởi sắc; thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Cần chính sách kích cầu cho NTM kiểu mẫu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng NTM ở Quảng Ngãi còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền chưa đồng đều; chênh lệch bình quân tiêu chí đạt được giữa khu vực đồng bằng, ven biển so với khu vực miền núi còn cao (4,3 tiêu chí)... Đặc biệt, việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn còn hạn chế, nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo...
Để nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao, bên cạnh quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất, gắn với chuỗi giá trị, cũng cần đẩy mạnh phát triển sản xuất theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh đề xuất: Vấn đề cốt lõi là phải tạo động lực cho các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thông qua những chính sách "động lực". Bởi, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, một số địa phương đã tích cực nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để các xã thực hiện, nếu không có những chính sách kích cầu và hành động mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền. Vì hiện nay, việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn NTM gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, “hình hài” NTM kiểu mẫu, nâng cao cũng chưa cụ thể, nên quá trình thực hiện còn khó khăn.
Bài, ảnh: MỸ HOA