Phát triển thương mại ở Nghĩa Hành

02:06, 14/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Nghĩa Hành đã và đang quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, huyện đang cần nhiều nguồn lực để đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Giao thông đi trước một bước

Nói về giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết: "Giải pháp đầu tiên của huyện là phát triển hạ tầng giao thông. Nghĩa Hành là huyện trung du, tiếp giáp với các huyện Minh Long, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Vì thế, để phát triển thương mại, dịch vụ thì hạ tầng giao thông phải đi trước một bước". Vì vậy, nhiều năm qua, huyện Nghĩa Hành đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt giữa các huyện trong vùng và từ trung tâm huyện về xã.

Siêu thị Nghĩa Hành (thị trấn Chợ Chùa) đưa vào khai thác nhiều năm nay nhưng không hiệu quả.
Siêu thị Nghĩa Hành (thị trấn Chợ Chùa) đưa vào khai thác nhiều năm nay nhưng không hiệu quả.


Nhờ hệ thống giao thông kết nối, hoạt động mua bán, giao thương trên địa bàn huyện rất nhộn nhịp. Đến cuối tháng 5.2018, giá trị thương mại - dịch vụ của Nghĩa Hành là 900 tỷ đồng (đạt 50,5% kế hoạch), tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
 

“Hiện nay, huyện vẫn chưa thiết lập được mối liên kết bền chặt giữa cơ sở sản xuất với các nhà kinh doanh, để hình thành hệ thống phân phối ổn định, giảm chi phí trong khâu lưu thông. Việc tổ chức mạng lưới cung ứng vật tư gắn với thu mua, tiêu thụ nông sản còn kém, gây bất lợi cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tuy có nhưng nhỏ, vốn ít, tầm hoạt động hạn chế. Hệ thống thương mại chủ yếu nghiêng về chức năng bán lẻ; chủ trương xã hội hóa chợ hầu như không thực hiện được".


(Trích báo cáo đánh giá hoạt động thương mại 5 tháng đầu năm 2018 của UBND huyện Nghĩa Hành)

Đầu tư hạ tầng thương mại-dịch vụ

Hiện nay, trên địa bàn Nghĩa Hành có 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị, 2 cửa hàng lớn; 13 cửa hàng xăng, dầu và khoảng 470 điểm kinh doanh dịch vụ khác (chủ yếu là kinh doanh vàng, bia, nước giải khát và tạp hóa). Về mạng lưới chợ, theo quy hoạch, huyện có 13 chợ (1 chợ hạng 2, 12 chợ hạng 3).

Hiện nay, hầu hết chợ ở các xã đều được đầu tư sửa chữa và xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Riêng chợ Chùa ở thị trấn Chợ Chùa đang được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn ngân sách huyện, với tổng số tiền khoảng 24,5 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2019.

Nghĩa Hành trước đây có chợ phiên Tam Bảo rất nổi tiếng (Hành Dũng). Chợ này chủ yếu bán các loại hàng nông sản trong vùng và cả những giống cây trồng, vật nuôi chất lượng. Người dân ở xa cũng về tận đây mua cây, con giống về sản xuất. Nguồn nông sản ở đây rất dồi dào, như trái cây, khoai lang, gạo hữu cơ chất lượng cao, giống lúa chuẩn quốc gia.

"Nghĩa Hành đang nghiên cứu khôi phục lại chợ phiên Tam Bảo theo quy mô lớn, đặt ở vị trí thuận lợi cho việc thông thương mua bán", ông Đàm Bàng cho biết thêm. Chợ phiên nông sản nếu được tổ chức lại sẽ là sự kết nối trao đổi nông sản của cả các địa phương trong tỉnh, phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại của tỉnh và Bộ Công thương hiện nay về "xây dựng chợ nông sản". Thuận lợi của Nghĩa Hành hiện nay là huyện đang xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 4 loại trái cây nổi tiếng, với diện tích 150ha, gồm: Sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh, chôm chôm Java và chuối ngự. Mục đích là phát triển và hình thành chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.