Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở Lý Sơn: Những vấn đề đặt ra

02:06, 25/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với phát triển kinh tế biển và du lịch, huyện đảo Lý Sơn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh cây trồng xảy ra thường xuyên khiến ngành nông nghiệp huyện đảo đối mặt với rất nhiều khó khăn...

TIN LIÊN QUAN

Bấp bênh cây tỏi

Vụ tỏi đông xuân 2015 - 2016, mặc dù nông dân trên địa bàn huyện Lý Sơn đã làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, gieo trồng đúng lịch thời vụ và bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, song kết quả thu hoạch vẫn bị mất mùa đến 70%. Nguyên do là vào đầu vụ thì nắng hạn, đến giữa và cuối vụ, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Bính Thân mưa gió xảy ra liên tục, không khí lạnh kéo dài, nhiệt độ xuống đến 17-180C làm cho cây tỏi ngã đổ sớm, chậm phát triển, không tạo củ. Đặc biệt là xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ trên diện rộng, gây hại cho cây tỏi...

 

Nông dân Lý Sơn chăm sóc cây hành vụ xuân hè.
Nông dân Lý Sơn chăm sóc cây hành vụ xuân hè.


Tổng diện tích gieo trồng vụ tỏi đông xuân 2015-2016 trên địa bàn huyện Lý Sơn 336ha, năng suất tỏi khô sau thu hoạch 24,5tạ/ha, tổng sản lượng đạt 825 tấn. Như vậy, năng suất giảm 54,75tạ/ha, sản lượng giảm trên 1.830 tấn so với vụ đông xuân 2014 – 2015 và chỉ đạt 29,8% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của một số cán bộ ngành nông nghiệp huyện Lý Sơn, những năm gần đây việc sản xuất nông nghiệp của huyện rất bấp bênh. Hai loại cây trồng truyền thống đã có thương hiệu nổi tiếng của huyện đảo là tỏi – hành, nhưng có một nghịch lý và gần như trở thành quy luật là năm nào được mùa thì giá bán thấp, mà thất thu thì giá cao. Hiện tại giá tỏi bán cho du khách tại cầu cảng Lý Sơn khoảng 120.000 đồng/kg; tỏi một 800.000 – 1.200.000 đồng/kg.
 

Không còn tình trạng trà trộn tỏi nơi khác vào tỏi Lý Sơn tại huyện đảo
“Cách nay 3 năm, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã bị một số tư thương lợi dụng, đem tỏi nơi khác về trà trộn để tiêu thụ, hoặc đóng bao nhãn mác ở nơi khác nhưng đề tên tỏi Lý Sơn, gây dư luận và ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, nhãn hiệu tỏi Lý Sơn. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các ngành tích cực vào cuộc để giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn. Chính nhờ đó mà 3 năm trở lại đây, tình trạng tỏi nơi khác đưa về Lý Sơn để trà trộn vào thương hiệu tỏi Lý Sơn không còn”, bà Phạm Thị Hương cho biết.

Giải pháp phát triển bền vững

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, hành và tỏi là hai cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành nông nghiệp của huyện. “Định hướng những năm tới, chúng tôi sẽ tập trung động viên, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Đặc biệt là tìm giải pháp trồng tỏi không thay cát trắng (dùng đất thịt bazan), nhân rộng mô hình sản xuất tỏi bền vững, để hạn chế việc khai thác nguồn cát biển đang ngày càng cạn kiệt và gây sạt lở bờ biển hiện nay. Qua đó cũng giảm chi phí đầu vào cho nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”, bà Hương nói.

Bà Phạm Thị Hương cho biết thêm, huyện xác định tiếp tục duy trì ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất, giá trị cây trồng. Đặc biệt là nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng có giá trị và phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở  huyện đảo. Hiện nay, trong tổng số 336ha trồng tỏi trên địa bàn huyện thì có khoảng 50% diện tích đã sử dụng hệ thống péc phun tưới tự động, tiết kiệm nước theo hướng bền vững.

Riêng trong tiêu thụ sản phẩm tỏi - hành, khuyến khích các hộ kinh doanh đưa các sản phẩm cây tỏi đi các thị trường trong nước; chế biến thành những sản phẩm giá trị cao như tỏi đen, tinh dầu tỏi - đây là những sản phẩm hiện nay người tiêu dùng đã biết đến và sử dụng có hiệu quả cao.

“Để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của huyện, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan, quan tâm nghiên cứu, giúp huyện mô hình trồng hành - tỏi không dùng cát trắng và nghiên cứu về dịch bệnh trên cây tỏi. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng 5 bể chứa nước lớn, với kinh phí gần 50 tỷ đồng để phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bởi vào những tháng mùa khô nguồn nước ở đây bị nhiễm mặn, trong khi đó nông dân đang nhân rộng mô hình tưới péc phun tự động rất hiệu quả. Việc này chúng tôi đã kiến nghị nhưng chưa nghe tỉnh có ý kiến?”, bà Phạm Thị Hương nói.
         

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.