Cùng nông dân chống hạn

10:04, 26/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng, nguồn nước cạn kiệt, việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, sự vào cuộc của các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ giúp cây trồng giải cơn “khát”, nâng cao hiệu quả sản xuất...

TIN LIÊN QUAN

Đất hoang vì hạn

Xã Phổ Cường (Đức Phổ) được xem là vùng “đất hạn” của tỉnh. Bởi, cứ đến mùa nắng, hàng trăm hécta đất sản xuất lúa của địa phương này rơi vào cảnh hoang hóa. Riêng vụ hè thu năm nay, do nắng nóng kéo dài, cao trình mực nước tại hồ chứa nước Liệt Sơn đang tiếp tục xuống thấp nên chính quyền xã Phổ Cường lo ngại, diện tích sản xuất lúa phải chuyển đổi hoặc bỏ hoang vì thế cũng sẽ không dừng lại ở con số 350ha như dự kiến. Trong khi đó, vụ lúa đông xuân vừa rồi mất mùa nên cuộc sống của nông dân đã khó, giờ càng khổ hơn. “Hai sào ruộng, vụ đông xuân chỉ thu được 10 bao lúa, vụ hè thu thì không làm nên không đủ gạo ăn cả năm. Nhà nông mà mua gạo thì khổ”, ông Nguyễn Văn Xi, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường thổ lộ.

Cây mía đã được chính quyền và nông dân quan tâm đưa vào diện
Cây mía đã được chính quyền và nông dân quan tâm đưa vào diện "cây trồng chống hạn".


Còn tại xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), cứ đến vụ sản xuất hè thu là hàng trăm hécta đất lúa ở các xứ đồng Phương Trung, Hội Đức của thôn Hội Đức lại “nghỉ” do mặt ruộng trơ trụi, khô khốc vì nắng nóng. “Đất ít mà còn phải bỏ hoang tới tận vụ đông xuân năm sau nên tiếc lắm. Nhưng khô nóng thế này cây cỏ mọc không nổi thì làm sao lúa, hoa màu sống được”, vừa nói, lão nông Nguyễn Phương Thu, thôn Hội Đức vừa chỉ vào 6 sào đất ruộng đã bị nứt toác vì nắng.

 Theo thống kê sơ bộ của các địa phương trong tỉnh, sẽ có hàng nghìn hécta đất lúa phải bỏ hoang trong vụ hè thu năm nay. Ngoài điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc sản xuất phụ thuộc vào nước trời hoặc ao, hồ thì tình trạng kênh mương hư hỏng, bồi lấp khiến năng lực tưới tiêu thấp, kéo theo tình trạng thiếu nước.
   
Hợp lực chống hạn

Chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, UBND xã Phổ Cường khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích sản xuất lúa chân cao. Theo danh mục cây trồng thay lúa chống hạn mà UBND xã Phổ Cường khuyến khích nông dân sử dụng trong vụ hè thu năm nay thì ngoài đậu phụng, mè và dưa hấu còn có cây mía. Đây là lần đầu tiên trong ba năm trở lại đây, cây mía nhận được sự quan tâm trở lại của chính quyền xã Phổ Cường.

Lý giải điều này, ông Võ Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho rằng, ưu thế của cây mía là đầu ra ổn định. Do đó, khi Nhà máy Đường Phổ Phong hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và bảo hiểm năng suất, đảm bảo người trồng mía có lợi nhuận thì bà con nhiệt tình hưởng ứng. Đơn cử như vụ mía 2015 – 2016, khi chứng kiến 10ha mía ở thôn Bàn Thạch sản xuất đúng quy trình của Nhà máy đường, năng suất đạt trên 100 tấn/ha thì ngay đầu vụ sản xuất 2016 – 2017, đã có hơn 40ha mía được trồng mới.

Ngoài ra, việc Nhà máy đường cam kết hỗ trợ nông dân 2 triệu đồng/ha khi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía sẽ kích cầu nông dân sản xuất, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất. “Địa phương ủng hộ quan điểm và chính sách tạo vùng nguyên liệu mới của Nhà máy đường. Bởi, cách làm này giúp phân hóa lao động, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Vì thực tế, đất sản xuất nông nghiệp nhiều nhưng hiệu quả sử dụng hiện vẫn chưa cao”, ông Cương bày tỏ.

Cùng với Phổ Cường, Nhà máy đường cũng đã phối hợp với chính quyền các xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía theo phương thức “tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất” nhằm tăng năng suất, đảm bảo thu nhập cho người trồng mía. Sự vào cuộc này hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội phủ xanh cho hàng nghìn hécta đất trơ trụi vì “khát”.

Bài, ảnh: THANH PHONG
 


.