Nông dân ứng phó với hạn

06:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ nắng hạn sẽ diễn ra trong thời gian đến. Vì thế, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, sử dụng các giống cây trồng chịu hạn tốt.
 

TIN LIÊN QUAN

Tìm “kế” chống hạn

 Thăm 3 sào đậu phụng sắp đến kỳ thu hoạch, ông Trần Thanh Hưng, ngụ thôn Châu Me, xã Phổ Châu (Đức Phổ) cho biết, những năm gần đây, nắng nóng thường kéo dài, khiến nhiều diện tích đất sản xuất của xã thiếu nước. Để đối phó với tình trạng này, ông cùng nhiều nông dân trong thôn khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ việc trồng trọt. Nhưng nước bơm từ các giếng khoan cũng chỉ phù hợp với cây trồng cần ít nước, chứ trồng lúa thì không đủ nước tưới. Do đó, bà con nông dân chuyển qua trồng đậu phụng, có hộ thì trồng dưa.

 Nông dân huyện Bình Sơn trồng ớt trên những chân ruộng thiếu nước.
Nông dân huyện Bình Sơn trồng ớt trên những chân ruộng thiếu nước.


 Xã Phổ Châu là địa phương có nhiều cánh đồng thường xuyên thiếu nước tưới, nhất là vào vụ hè thu. Do đó, việc canh tác cây lúa để hưởng nước trời là lựa chọn quá rủi ro với nông dân nơi đây. Theo thống kê, trong vụ sản xuất này, khoảng một nửa diện tích gieo trồng của xã, tương đương khoảng 70ha được người dân chọn canh tác các cây trồng cần ít nước tưới là dưa hấu, đậu phụng... Ông Huỳnh Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Phổ Châu cho rằng, nhiều diện tích đất của xã giờ vẫn xanh tốt là nhờ người dân địa phương tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng ít sử dụng nước, đồng thời chủ động tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm.

 Trong khi đó, tại các địa phương của huyện Bình Sơn, cây ớt, đậu phụng, mì... cũng được nông dân lựa chọn để đối phó với tình trạng hạn hán. Anh Nguyễn Văn Thiên (xã Bình Chương) cho biết: “Nhiều năm trước, vì thiếu nước nên 3 sào ruộng lúa của tôi cứ teo tóp, mất mùa suốt. Nay thì khác rồi, không đủ nước làm lúa thì chuyển sang trồng đậu phụng”. Nói rồi anh Thiên nhẩm tính, với 3 sào đậu phụng của gia đình, nếu giá thị trường chỉ cần dao động trên dưới 25.000 đồng/kg đậu khô, trừ chi phí cũng kiếm được gần chục triệu đồng mỗi vụ, mà lại đỡ tốn công chăm bón nhiều và lo thiếu nước.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, trước nguy cơ khô hạn có thể diễn ra trong thời gian đến, huyện có chủ trương chuyển đổi khoảng 500ha đất canh tác lúa tại những vùng không chủ động nước tưới để chuyển sang trồng một số cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt như mì, đậu phụng, ớt... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa thường xuyên bị khô hạn là yêu cầu bức thiết, để nông dân tránh thiệt hại.

 Lo lắng đầu ra

 Trên thực tế cho thấy, nhiều nông dân trong tỉnh thực hiện việc chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước đã cho năng suất cao. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá” thường xuyên xảy ra với các sản phẩm ớt, dưa hấu, mì... Các giống cây trồng có khả năng chống hạn, nhưng chưa được ngành nông nghiệp khuyến khích sử dụng, không có trong quy hoạch, thì khi sản phẩm làm ra mà không có sự bảo trợ của Nhà nước thì người nông dân luôn bị tư thương ép giá, hoặc không ai thu mua.

Ông Huỳnh Văn Quang băn khoăn về tính đồng bộ giữa việc khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng chịu hạn với sự giúp sức để tiêu thụ nông sản. “Việc chuyển đổi diện tích lúa sang những cây trồng chịu hạn, ít sử dụng nước là chủ trương đúng, người dân rất đồng tình. Nhưng khi nông dân sản xuất đại trà thì sản phẩm đầu ra ai tiêu thụ, giá cả như thế nào? Thực tế đã có lúc, giá ớt, giá dưa hấu xuống thấp, nông dân lỗ nặng, nhưng chẳng biết kêu ai”, ông Quang đặt vấn đề.

 Theo ông Hồ Minh Sơn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, việc chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước là biện pháp tối ưu trong công tác chống hạn, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân. Ví dụ như huyện Bình Sơn đã hỗ trợ cho nông dân hơn 1,3 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Về vấn đề giải quyết sản phẩm đầu ra khi nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn, ông Sơn cho rằng, ngoài vai trò tự lực của nông dân, lãnh đạo địa phương sẽ linh hoạt, liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm, để người dân yên tâm sản xuất.

 Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 
 


.