Tích cực phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng

09:02, 23/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quyết định“túi tiền” của nông dân trong cả năm nên cây trồng, vật nuôi vụ sản xuất đông xuân luôn được bà con quan tâm, kỳ công chăm sóc ngay từ những ngày đầu xuân…

TIN LIÊN QUAN

Ra quân diệt dịch hại cây trồng

Sáng 15.2 (tức mùng 8 tháng Giêng), nông dân xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đồng loạt ra quân diệt chuột đầu năm. Theo nhận xét của bà con nông dân nơi đây thì đợt nghỉ Tết vừa rồi, lúa, hoa màu tương đối được “yên” vì chuột ít cắn phá. Tuy nhiên, liên tiếp trong hai năm 2014 – 2015 không xảy ra lũ lụt nên chuột bố mẹ ẩn nấp trong các bụi rậm, bờ sông, suối để sinh sản khá nhiều. “Mình mà không phát quang, dọn vệ sinh mấy điểm này là xem như đang “lót ổ” cho chuột đẻ, rồi kéo xuống ăn lúa, cắn bắp”, ông Trần Tám, thôn Xuân Đình cho hay. Vậy nên, thay vì chỉ diệt chuột một buổi, bà con nông dân nhiệt tình tham gia suốt cả ngày, dù ngoài trời mưa lạnh. Kết quả sau một ngày vất vả, đã có hơn 300 con chuột bị tiêu diệt. “Chừng này cũng tiết kiệm được mớ công và tiền mua bã sinh học rồi ý chứ”, ông Tám hồ hởi.

Người dân tổ chức diệt chuột bảo vệ mùa màng vụ đông xuân.
Người dân tổ chức diệt chuột bảo vệ mùa màng vụ đông xuân.


Không rầm rộ như nông dân xã Hành Thịnh, bà con thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp (Minh Long) cũng cùng nhau ra đồng diệt chuột... lấy may. Theo ông Đinh Ré, chuột đồng là “sản vật” không thể thiếu trong mâm lễ cúng đầu mùa (trước khi bước vào vụ gieo sạ) và kết thúc vụ thu hoạch lúa của bà con đồng bào dân tộc Hrê. “Các lễ cúng này là tấm lòng của người dân gửi đến thần linh đã phù hộ cho họ có một vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mới được mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy bồ”, ông Ré giải thích. Với ý nghĩa ấy nên sáng ngày mùng 9 Tết, người dân thôn Hà Liệt đã lỉnh kỉnh cuốc, xô, bao tải và mành chụp... ra đồng tìm bắt chuột. Hoạt động này được bà con trong thôn Hà Liệt tổ chức thường niên vào dịp đầu năm. Bởi, đây vừa là một phong tục truyền thống, vừa là cách để khuyến khích nhân dân tích cực diệt chuột vì “ai bắt được nhiều chuột, nghĩa là năm đó càng được lúa, được mì”, bà Đinh Thị Nhiêu cho biết.
 

UBND tỉnh vừa ban hành công văn về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trước, trong và sau Tết Bính Thân 2016. Theo đó, giao Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh GSGC, đặc biệt là bệnh lở mồm long mong ở trâu, bò; bệnh tai xanh ở heo và cúm gia cầm; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, phát hiện, xử lý kịp thời và giám sát chặt dịch bệnh (nếu có) trên đàn GSGC để tránh lây lan; tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển và buôn bán GSGC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn GSGC…

Cùng với các địa phương trên thì ngay trong ngày đầu năm, chính quyền và bà con nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như diệt chuột, vệ sinh bờ ruộng; thu lượm vỏ, nắp thuốc bảo vệ thực vật hay trồng cây trên trục đường nội đồng… nhằm bảo vệ cây trồng vụ đông xuân. Bởi, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 800ha lúa bị nhiễm các bệnh đạo ôn, vàng lá sinh lý và chuột cắn phá. Hơn nữa, theo nhận định của ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì thời gian tới, các đối tượng trên sẽ tiếp tục gây hại đến khi lúa vào giai đoạn làm đòng. “Do đó, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và diệt trừ sớm các đối tượng gây hại; đồng thời bón phân hợp lý để cây lúa nhanh bình phục”, ông Bá khuyến cáo.  

Phòng dịch bệnh, chống đói rét cho vật nuôi

 “Trời nắng mưa kiểu này thì trâu, bò dễ bị bệnh lắm!”, vừa sửa soạn vào rừng lùa trâu về, ông Đinh Văn Rí, thôn Mai Lãnh Thượng, xã Long Mai (Minh Long) vừa góp chuyện. Hóa ra đợt lạnh hồi Tết, chuồng trâu nhà ông Rí được che chắn rất kỹ, thức ăn cũng dồi dào, nhưng ngay khi thấy tiết trời nắng ấm, ông Rí liền tháo bạt, rồi yên tâm thả trâu vào rừng để tự tìm thức ăn. Tuy nhiên, vì thấy trời trở lạnh đột ngột trong những ngày gần đây nên ông Rí lo lắng, nên trưa ngày mùng 9 Tết đã vội vào rừng tìm trâu lùa về chuồng.

Trong khi đó, người hàng xóm Đinh Văn Tre dù có đàn trâu 4 con đang ở trong rừng và tự chống chọi với cái lạnh đầu xuân, nhưng ông vẫn vô tư vui xuân. “Trâu nó ở trong rừng. Lạnh lần trước nặng hơn mà nó vẫn sống, có sao đâu”, ông Tre chống chế.

Theo ông Lê Minh Chí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long thì trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc và động viên người dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ trâu bò; tuyệt đối không mải vui Tết du xuân mà để xảy ra tình trạng trâu bò chết do đói, rét.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.