Xây dựng nông thôn mới: Chưa chú trọng phát triển sản xuất

06:11, 21/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM hiện nay ở các địa phương dường như mới tập trung đầu tư hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất.

TIN LIÊN QUAN

Ưu tiên cho cơ sở hạ tầng

Trong quá trình xây dựng NTM, giao thông là một trong những tiêu chí “bề nổi” được các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện nâng cấp mở rộng nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa. Còn người dân cũng tích cực góp sức bằng cách hiến đất, chặt bỏ cây cối hoa màu, phá dỡ tường rào cổng ngõ...  để con đường mới được rộng hơn, đẹp hơn. “Giao thông không chỉ là động lực mà còn thể hiện mức độ phát triển của địa phương. Hơn nữa, hệ thống giao thông tốt cũng sẽ giúp địa phương có nhiều cơ hội trong việc thu hút đầu tư”, ông  Huỳnh Xuân Tạo- Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) lý giải.

Tuy thí điểm thành công, nhưng nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng lại gặp trở ngại khi triển khai nhân rộng.
Tuy thí điểm thành công, nhưng nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng lại gặp trở ngại khi triển khai nhân rộng.


Cùng với giao thông, hạ tầng các công trình phục vụ dân sinh như nhà văn hóa (NVH) thôn, xã; khu thể thao, sân vận động xã... cũng được đầu tư xây dựng với kinh phí không hề nhỏ. Đơn cử như NVH xã. Để có được NVH đạt chuẩn, diện tích khuôn viên phải trên cả nghìn mét vuông, kinh phí xây dựng không dưới 4 tỷ đồng, chưa kể trang thiết bị bên trong. Quy mô, tốn kém là thế nhưng việc sử dụng NVH lại kém hiệu quả, quanh năm suốt tháng cửa đóng nhiều hơn mở.
 

Cần tạo nguồn thu ổn định, bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần soát xét đối tượng cây, con phù hợp với điều kiện, đặc thù từng vùng và xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất cụ thể để UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn từ chương trình NTM. Quan điểm của UBND tỉnh là ưu tiên bố trí vốn cho hạng mục sản xuất để góp phần cải thiện thu nhập cũng như đời sống nông dân, giúp người dân có nguồn thu ổn định, bền vững,

Tổ chức sản xuất, ít chú trọng

Trong khi đó, các tiêu chí sát với mục đích của chương trình NTM là hình thức tổ chức sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân hay các giải pháp giảm nghèo bền vững dường như là “mặt chìm”. Trong khi các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp dù được xem là “trợ thủ” cho nông dân nhưng thường xuyên rơi vào cảnh khó khăn, hoạt động kém hiệu quả vì thiếu vốn thì, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được các địa phương báo cáo đạt trên 90% nhưng không nêu cụ thể đó là việc gì, thu nhập bao nhiêu, có bền vững hay không? Đối với tiêu chí tăng thu nhập, giảm hộ nghèo cũng được đánh giá rất chung chung là “đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; đưa giống cây, con chất lượng, năng suất vào sản xuất”... mà chưa có giải pháp và định hướng mang tính cụ thể.

Đơn cử như phương thức giảm nghèo. Phần lớn các địa phương đều chọn cách trao “cần câu cơm” cho hộ nghèo là hỗ trợ bò cái sinh sản (thông qua nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình NTM). Nhưng để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, có nơi đã yêu cầu người dân ngay khi nhận bò phải cam kết rút tên khỏi danh sách hộ nghèo!”.

Hay như để nâng cao thu nhập cho người dân, các xã đã xây dựng và tổ chức trình diễn nhiều mô hình sản xuất lúa, rau màu chất lượng. Có điều, các mô hình này dù thành công rực rỡ lúc thí điểm, nhưng vẫn “chết yểu” khi nhân rộng. “Khi triển khai sản xuất đại trà, người dân không còn được Nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật hay doanh nghiệp tự nguyện bao tiêu đầu ra như lúc thí điểm. Thế nên phần lớn nông dân quên mô hình, còn chính quyền cơ sở cũng thụ động trong việc tổ chức duy trì sản xuất”, ông Lê Văn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết.

Hơn nữa, dù quyết định đến thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân nhưng hiện nay các địa phương cũng chưa xác định được cây, con sản xuất chủ lực; việc quy hoạch sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi có làm nhưng cũng chưa triển khai thực hiện. “Dường như các địa phương quy hoạch vùng sản xuất cho có chứ chưa nỗ lực, dốc sức khắc phục những khó khăn, rào cản về vốn, kỹ thuật canh tác của người dân hay điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhằm hiện thực hóa các nội dung quy hoạch”, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.