Sang nước bạn học kinh nghiệm trồng rừng

03:09, 25/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 8 vừa qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức đoàn cán bộ sang Lào và Thái Lan học tập, chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống quản lý rừng và việc cấp chứng chỉ rừng tại các quốc gia này. Chuyến đi do Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về Thực phẩm và Phát triển rừng (FFD) tài trợ.

TIN LIÊN QUAN

Đoàn đã đến thăm Tập đoàn Stora Enso của Thụy Điển đầu tư trồng rừng tại Mường Nọong, bản Tả Ôi, quận Nong, tỉnh Savannakhet, Lào; tham quan khu rừng khảo nghiệm giống các dòng cây keo và bạch đàn của Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Stora Enso thực hiện, với diện tích 2.500m2, gồm bạch đàn Camon (vỏ trắng) 15 dòng, bạch đàn Europlylla (vỏ đỏ) 30 dòng, keo lai 10 dòng. Trong đó có 2 giống keo triển vọng nhất là BV73 và BV32.

Đoàn tham quan khu rừng khảo nghiệm giống bạch đàn, keo tại tỉnh Savannakhet.                                                                           Ảnh: PV
Đoàn tham quan khu rừng khảo nghiệm giống bạch đàn, keo tại tỉnh Savannakhet. Ảnh: PV


Đến thăm mô hình trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp và hiện năm thứ 4 đang trồng bạch đàn xen cây mây, Đoàn biết rằng, trước khi có dự án, người dân ở đây do thiếu lương thực nên trồng lúa, bắp, mì chứ không trồng rừng. Khi Chính phủ giao đất cho Công ty đầu tư trồng rừng có sự đồng thuận của người dân và trồng rừng thưa, luân chuyển theo lô đất, hỗ trợ cày bừa làm đất để dân có thể trồng cây nông nghiệp. Diện tích một khu quy hoạch 2.000ha, được chia làm 4 lô. Khi trồng rừng lô 4 thì tiến hành khai thác rừng lô 1.Việc quy hoạch sản xuất, tổ chức quản lý, điều hành, chu chuyển sản xuất rừng gối đầu trên 4 lô đất. Vì vậy, lúc nào người dân cũng có đất sản xuất nông nghiệp và Công ty cũng có đất trồng và khai thác rừng. Lương thực thì cung cấp cho người dân bản địa, gỗ cung cấp thị trường nội địa Lào…

Tại tỉnh Sakeo, Thái Lan đoàn tham quan một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp. Về đất đai, 99% người dân ở đây có giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Ngoài ra, người dân còn có quyền chuyển nhượng, quyền thừa kế đất. Trước đây tại xã Nongtaphon người dân chỉ biết trồng lúa, mì, chưa biết cây bạch đàn, bạc hà, cọ dầu, cao su là gì. Đa số người dân rất nghèo. Hiện nay, diện tích cây bạch đàn tăng nhanh, chu kỳ 4 năm khai thác cho thu nhập cao. Người dân ở đây đã áp dụng phương thức trồng xen cây ngắn ngày như mì, bắp vào diện tích rừng trồng các năm đầu. Cách đây 10 năm, có khoảng 30% diện tích đất Công ty quản lý, 30% diện tích dân quản lý làm ăn riêng lẻ. Hiện nay, có sự hợp tác sản xuất khoảng 80% diện tích thông qua hợp đồng giữa các Công ty và người dân. Công ty cung cấp giống sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện tại người dân đã có đời sống tốt hơn nhiều so với trước đây.

Đoàn cũng đã đến thăm, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhóm hộ làm kinh tế hợp tác tại tỉnh Sa Kaeo (Thái Lan). Nhóm hiện có 70 thành viên. Tất cả những thành viên và người quản lý, điều hành đều có trách nhiệm ngang nhau. Ngành nghề chủ yếu là kinh doanh tổng hợp như trồng và khai thác rừng, cưa xẻ gỗ, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, sản xuất giống cây trồng, khí Biogas... Các thành viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ. Lợi nhuận chia theo từng loại công việc của từng thành viên và chia theo vốn góp. Vốn góp ở đây có lợi nhuận cao gấp 10 lần gửi ngân hàng.

Đến thăm Công ty Double A ở Chachensao, đoàn chia sẻ kinh nghiệm về tình hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm của Công ty. Công ty có các nhà máy như nghiền gỗ dăm, nhiệt điện, sản xuất bột giấy và các nhà máy giấy. Tổng công suất các nhà máy giấy đạt 200 nghìn tấn giấy/năm; tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn gỗ. Nguyên liệu cung cấp cho nhà máy từ rừng trồng của nhà máy và từ rừng trồng của người dân có sự đầu tư của nhà máy, từ rừng của các tổ chức khác, rừng của người dân tự trồng. Riêng đối với người dân, Công ty đầu tư 100% giống, cung cấp vật tư phân bón, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết...

Sau khi sang Lào, Thái Lan học tập kinh nghiệm trồng và quản lý rừng, ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Ngãi, là Trưởng đoàn công tác, nhận xét: Đối với tỉnh ta, nên học tập và áp dụng hệ thống quản lý rừng có trách nhiệm với người dân, với xã hội, với môi trường và có sự đồng thuận của người dân về sử dụng lao động địa phương; gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người dân như Tập đoàn Stora Enso đã thực hiện ở tỉnh Savannakhet (Lào). Chúng ta nên học tập cách quy hoạch, tổ chức quản lý, điều hành, chu chuyển sản xuất của mô hình trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Áp dụng chính sách tích tụ đất đai để mở rộng diện tích sản xuất, nhân rộng các mô hình trồng rừng xen canh với cây nông nghiệp trong những năm đầu để nâng cao thu nhập cho người dân; học tập liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng đến khâu bao tiêu sản phẩm của người trồng rừng.

Theo ông Nam, các HTX cũng nên học tập cách tổ chức quản lý, hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế hộ thành viên của nhóm hộ làm kinh tế hợp tác điển hình ở Thái Lan để phát triển kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai minh bạch, cùng có lợi. Trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, các địa phương cần từng bước hiện đại hóa nghề rừng. Việc liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, người trồng rừng từ quá trình gieo ươm, trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả sẽ nâng cao.      

                                                                 

NGUYỄN KHÂM
 
 


.