Sớm có cơ chế trồng rừng hỗn giao

01:04, 14/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơn lũ lịch sử cuối năm 2013 và mưa lũ bất thường diễn ra cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, không chỉ biến đổi khí hậu đang thể hiện ngày một rõ hơn mà đó còn là hậu quả của việc trồng và khai thác keo một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, gây ra hậu quả nặng nề.

TIN LIÊN QUAN

Dòng chảy bất thường

Dấu tích của những dòng nước “xé” các triền đồi, xẻ các cánh đồng, các dòng sông, suối ở các huyện, xã miền núi Nghĩa Hành, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà vẫn còn đó... Tại xã Ba Động, cơn lũ vừa qua đã làm hàng loạt cánh đồng lúa ngã rạp theo đường đi của nước. Lũ đi qua đã gần nửa tháng, nhưng ông Võ Kết, thôn Hóc Kè, nhìn đám ruộng của mình trên đồng Ruộng Rộc, tiếc rẻ: “Giá mà không bị ngập nước, lúa chắc hạt thì hơn 3 sào ruộng này cầm chắc cũng được hơn 24 bao”. Ở những cánh đồng Trường An, Dông Giữa, Mọi Lâm, xã Ba Động và những cánh đồng ở xã Ba Liên, vì nằm trên “đường đi của  nước” nên cũng rơi vào cảnh tương tự như đồng Ruộng Rộc.

Mưa lũ đã làm đất đồi sạt lở, suối thay đổi dòng chảy cũng từ việc trồng và khai thác keo ồ ạt.
Mưa lũ đã làm đất đồi sạt lở, suối thay đổi dòng chảy cũng từ việc trồng và khai thác keo ồ ạt.


Theo nhiều nông dân làm ruộng nơi đây, số diện tích này trong những năm trước đồi núi chưa trồng keo được xem là ruộng rộc khá màu mỡ, có nước tưới đủ hai vụ ăn chắc. Thế nhưng, kể từ ngày keo phủ trên đồi đầu cánh đồng thì mùa nắng lòng suối khô cạn, mùa mưa đất đồi không có vật cản nên lượng nước đổ dồn về lòng suối khá nhanh rồi tràn đồng ở những chân ruộng trũng. Mặc dù, bà con đã lường trước nên chỉ đầu tư vào vụ đông xuân để ăn chắc. Thế nhưng cơn lũ bất thường vừa qua đã làm nhiều cánh đồng hư hại nặng nề.  

Miền núi đã vậy, ở đồng bằng lũ về cũng nhanh hơn. Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, thôn Bàn An, xã Phổ Quang (Đức Phổ) nhận định: “Lũ về bất thường lắm. Nhớ hồi cuối năm 2013, ông xã (chồng) làm ở Ba Tơ, thấy nước lũ đổ về quá lớn nên điện về để mẹ con tôi ở nhà biết mà dọn dẹp nhà cửa. Chưa kịp dẹp dọn thì hơn một giờ sau lũ theo dòng sông Trà Câu đổ về ào ạt, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu...”.

Còn đầu năm 2015 này, lũ bất thường đã nhấn chìm hàng ngàn hecta lúa, hoa màu, phá hủy nhiều tuyến tỉnh lộ, gây cô lập, ách tắc các xã miền núi ngay khi chưa hết… mùa xuân.

Ngăn lũ từ những cánh rừng hỗn giao  

Theo Trung tâm Khuyến nông và khuyến ngư tỉnh thì, ngày trước cũng có những trận lũ lịch sử nhưng đâu có phá hoại đất đồi, gây sạt lở đường giao thông, nước lũ về đột ngột như bây giờ. Bởi, khi đó rừng tự nhiên còn khá nhiều. “Trong rừng tự nhiên có nhiều tầng lớp. Nước mưa đổ xuống thẩm thấu dần rồi “điều tiết” nước từ từ xuống vùng trũng. Còn bây giờ đồi núi trồng toàn cây keo, có khi khai thác hàng loạt. Chưa kể những cánh rừng chưa đủ tuổi đã khai thác thì đất đồi trơ trọi chẳng khác gì như cái chảo hứng nước để đổ về các dòng sông, suối”- ông Vũ Văn Sáu – Phó Phòng kỹ thuật nông, lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông và khuyến ngư tỉnh) trăn trở.  

Từ thực tế này, Trung tâm Khuyến nông và khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình trồng rừng hỗn giao ở hai huyện Trà Bồng và Sơn Tây. Với tổng diện tích trồng 15ha trên đất rẫy của nông dân, Trung tâm hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Theo kỹ thuật trồng rừng hỗn giao, mỗi hecta trồng khoảng 200 cây gỗ lớn, gồm xà cừ, lim xanh xen kẽ với 1.500 cây keo lai giâm hom. Mục đích của trồng rừng hỗn giao, một mặt giúp bà con vừa có thu nhập, vừa không ảnh hưởng đến đất đồi. Bởi sau 7 năm, cây keo khai thác, các cây gỗ lớn bắt đầu phát triển thêm 10 – 15 năm sau mới thu hoạch thì sẽ hạn chế đất đồi xói lở khi có mưa, đồng thời giữ được nước khi nắng hạn.  

Tuy nhiên, mô hình triển khai trên đất hộ nông dân nên vì kinh tế gia đình, nhiều hộ vẫn không hưởng ứng. Vì vậy, mô hình dừng lại ở 15ha với khoảng 14 hộ tham gia. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm không triển khai thêm được diện tích nào.  “Tỉnh cần mở rộng quy hoạch đất rừng sản xuất, huy động các tổ chức, đơn vị có diện tích đất rừng sản xuất lớn nên trồng rừng hỗn giao, đồng thời có cơ chế khuyến khích hộ nông dân tham gia trồng rừng hỗn giao để họ ổn định về kinh tế, an tâm trồng cây lâu năm. Các tổ chức nông, lâm trường cũng nên kêu gọi hay tự đầu tư các dự án trồng cây lâu năm để hạn chế đất đồi xói mòn, giảm hạn hán, ngăn dòng chảy trước biến đổi khí hậu nắng, mưa thất thường như hiện nay” – ông Sáu kiến nghị.

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.