Xuất ngoại học làm kinh tế tập thể

09:12, 11/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lần đầu tiên 3 hợp tác xã (HTX) của Quảng Ngãi được xuất ngoại học làm kinh tế tập thể ở Thái Lan. Đó là bước tiến mới trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện để HTX vươn lên nắm bắt cơ hội, ổn định, tăng trưởng bằng chính mô hình đoàn kết xã viên...

TIN LIÊN QUAN

Xuất ngoại tham quan, nghiên cứu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, các HTX đã rút ra bài học, bắt đầu áp dụng vào thực tế, “uốn” lại cách thức làm ăn. Mặc dù phải mất rất nhiều thời gian nữa thì kinh tế HTX của Quảng Ngãi mới đuổi kịp tốc độ tăng trưởng hiện nay của các HTX Thái Lan, song chậm vẫn hơn không, chịu khó học hỏi, kinh tế HTX Quảng Ngãi sẽ có sự đổi mới đi lên trong tương lai.

“Học một sàng khôn…”

Dự án ba bên Việt Nam – Thái Lan – Đức do Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX, DN nhỏ và vừa khu vực miền Trung – Tây Nguyên (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) triển khai tại Quảng Ngãi vào cuối năm 2013, đã tài trợ cho 3 HTX điển hình của Quảng Ngãi tham gia học tập, phát triển kinh tế HTX tại Thái Lan. Đó là các HTX: Nông nghiệp Hành Dũng (Nghĩa Hành), Bình Thanh Đông  (Bình Sơn) và HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân (TP.Quảng Ngãi). Điểm đến là tỉnh Nakhon Ratchasima, nơi có 2,6 triệu dân-gấp đôi tỉnh Quảng Ngãi.   

Các HTX Quảng Ngãi tham quan học hỏi mô hình phát triển kinh tế HTX ở Thái Lan (ảnh do Liên minh HTX tỉnh cung cấp).
Các HTX Quảng Ngãi tham quan học hỏi mô hình phát triển kinh tế HTX ở Thái Lan (ảnh do Liên minh HTX tỉnh cung cấp).


Tại đây, lãnh đạo 3 HTX của Quảng Ngãi đã được hội thảo, trao đổi kinh nghiệm và đi học tập thực tế tại 4 HTX nông nghiệp - dịch vụ - tín dụng nhỏ của tỉnh này. Các HTX này đều là HTX lâu năm, nhưng kể từ ngày thành lập đến nay luôn đứng vững, tăng trưởng mạnh; vốn điều lệ lên đến hàng trăm tỷ đồng; lãi ròng hằng năm khoảng 2%/tổng số vốn hiện có.


Ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi-trưởng đoàn đi học tập kinh tế HTX ở Thái Lan cho biết: “Chúng tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích từ chuyến đi này. Các HTX mà chúng tôi đến học hỏi, họ rất đoàn kết làm ăn vì mục tiêu thực hiện lời dạy của Quốc vương “Ấm no, vừa đủ”. Họ kinh doanh đa ngành nghề. Đối với tín dụng nhỏ, họ quy ước “có gửi mới có vay, mức lãi suất thấp hơn ngân hàng”. Đối với HTX dịch vụ, họ tìm hiểu nhu cầu của xã viên để mua hàng hóa về bán với giá thấp hơn thị trường. Với việc xác định rõ nhu cầu, các HTX này đều xây dựng cây xăng, cửa hàng bán lẻ hàng hóa – những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của cuộc sống để phục vụ xã viên. Đồng thời, HTX đầu tư thu mua toàn bộ đầu ra cho nông sản để chế biến, bán ra thị trường.

… ứng dụng vào thực tế

4 HTX của tỉnh Nakhon Ratchasima – Thái Lan mà lãnh đạo các HTX Quảng Ngãi đến thăm, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm gồm: HTX nông nghiệp Kham Sakesang; HTX Phimai Ltd; HTX LamPrapleang Ltd và HTX Tín dụng Ban Sumrit. Các HTX này tổ chức thu mua chế biến gạo xuất khẩu; sản xuất phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi bán cho xã viên; đồng thời liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Trong chuyến học tập, 3 HTX của Quảng Ngãi đã chọn và nghiên cứu 3 lĩnh vực khác nhau từ cách làm kinh tế của HTX Thái Lan. Trong đó HTX Hành Dũng chọn mô hình Tổ chức tín dụng nội bộ trong HTX. Ông Trương Văn Sinh – Giám đốc HTX Hành Dũng cho biết: “Tôi học được cách quản lý hoạt động này của HTX Thái Lan là “có gửi mới có vay”, tức là sẽ kêu gọi xã viên của mình gửi tiết kiệm vào để phục vụ lại chính lợi ích cho gia đình mình. Đó là cách làm hay, hiệu quả mà HTX Hành Dũng sẽ nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn hoạt động”.

Còn HTX Bình Thanh Đông chọn cách phát triển kinh tế HTX bằng mô hình thu mua nông sản cho xã viên để sơ chế, tiêu thụ trên thị trường. Ông Nguyễn Tấn Sơn – Giám đốc HTX Bình Thanh Đông cho biết: “Phát triển kinh tế HTX theo hướng nông nghiệp - dịch vụ là hướng đi mới mà HTX chúng tôi đang nỗ lực thực hiện. Học tập cách làm bổ ích của Thái Lan, chúng tôi sẽ hoạch định chiến lược cụ thể cho lộ trình phát triển thời gian tới”.

Riêng HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân, sau khi học hỏi ở Thái Lan về đã có những ứng dụng mang lại hiệu quả ban đầu cho hoạt động kinh doanh của mình. Bà Huỳnh Thị Thanh Dung – Giám đốc HTX này cho biết: “Sản phẩm thêu truyền thống hiện nay đang phải đối mặt với sản phẩm cùng loại hiện đại. Tôi đã nghiên cứu, học hỏi được cách tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tôi tin rằng một ngày nào đó người tiêu dùng sẽ quay trở lại với nét đẹp của sản phẩm thêu truyền thống. Tôi càng tự tin hơn về điều này khi đi học tập ở Thái Lan về”.

THANH NHỊ
 


.