Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt

10:11, 15/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã nỗ lực thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, mẫu mã sản phẩm... để không bị lạc hậu khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng một số doanh nghiệp ở Quảng Ngãi vẫn tỏ ra khá lo lắng dù cơ hội là không ít.

TIN LIÊN QUAN

Triển vọng từ hội nhập

 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguồn gốc từ Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược được ký kết ngày 3.6.2005, có hiệu lực từ 28.5.2006 giữa 4 quốc gia thành viên là Singapore, Chile, New Zeland và Brunay. Đến nay, TPP đang tính đến việc mở rộng thành 12 thành viên, trong đó có Việt Nam.  

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, dệt may sẽ là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất khi gia nhập TPP.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, dệt may sẽ là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất khi gia nhập TPP.


 Nếu hiệp định được ký kết với các quốc gia thành viên mới, TPP sẽ trở thành khu vực kinh tế năng động với 790 triệu dân, chiếm trên 11% dân số thế giới, đóng góp 40% GDP, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. Theo đó, thị trường rộng mở, thuế xuất nhập khẩu giảm theo lộ trình về mức 0%. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ  hội tăng tốc xuất sang thị trường nhiều nước.

 TPP là cơ hội cho các doanh nghiệp Quảng Ngãi tiếp cận thị trường tiềm năng, tăng năng lực xuất khẩu, nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, máy móc thiết bị tiên tiến, tránh được lệ thuộc vào một thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước thành viên...

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK TM Thuyên Nguyên (trụ sở tại Khu công nghiệp Tịnh Phong) để thích nghi tốt với hội nhập, từ đầu năm 2013, Ban giám đốc Công ty đã đề ra kế hoạch, chiến lược để phát triển cũng như cải tiến mẫu mã, dịch vụ và giá cả để không bị “đuối sức” khi phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác.

“Hiện chúng tôi đang đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng và mới nhập lô máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá gần 20 tỷ đồng. May mặc là hàng hóa có tính cạnh tranh khá cao dù có nhiều thuận lợi. Dù biết sẽ khó khăn, nhưng chúng tôi tự tin sẽ cạnh tranh được với hàng hóa từ các nước khác. Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường truyền thống, hiện chúng tôi đang tiến hành khảo sát thị trường một số nước, trong đó có Hàn Quốc.

Đây là thị trường khá hấp dẫn và trong thời gian tới chúng tôi sẽ xuất hàng hóa sang. Khi thị trường mang tính cạnh tranh cao, thì ngoài việc tăng chất lượng, giảm giá thành, chúng tôi sẽ luôn có hướng tìm kiếm sang các thị trường mới để công việc sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Hy vọng, việc gia nhập TPP sẽ là bàn đạp để doanh nghiệp chúng tôi nói riêng và doanh nghiệp trong tỉnh nói chung cùng nhau phát triển”, ông Toản nói.

Nhiều thách thức

 Để không hụt hơi trong cuộc đua trên sân nhà, một số doanh nghiệp Quảng Ngãi bước đầu đã có sự điều chỉnh, đầu tư thiết bị và dây chuyền công nghệ để có thể sản xuất được các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động cũng như tự mở ra cơ hội trong quá trình làm ăn của mình. Mặc dù đã có những bước đi để tạo ra sự khác biệt so với cách làm ăn cũ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá dè dặt trong việc hội nhập.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, họ có phần lo ngại trước sự “tấn công” của hàng hóa từ các nước. “Lo lắng nhất hiện nay vẫn là hàng hóa giá rẻ của các nước có trình độ kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Malaysia… Để cạnh tranh lại với hàng ngoại, ngoài việc tăng cường mua sắm thiết bị, đổi mới dây chuyền sản xuất, chúng tôi còn tăng cường tuyển dụng nhân sự có trình độ, khảo sát mở rộng thị trường tiêu thụ... Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để giữ khách hàng ngay tại sân nhà. Hàng hóa các nước khi tràn ngập vào nếu mình không chuẩn bị kỹ thì đừng nói gì đến việc “mở rộng thị trường” khi mà ngay trên sân nhà cuộc đua quá khốc liệt” – giám đốc một doanh nghiệp sắt thép chia sẻ.

Việc gia nhập TPP không chỉ mang cơ hội đến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng sẽ thỏa sức lựa chọn một khi hàng hóa của các quốc gia thành viên TPP sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Trái lại, với tâm lý hào hứng của người dân, không ít doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư để  đón đầu cơ hội TPP.

Doanh nghiệp Việt lo lắng phải đối mặt với sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả của hàng hóa xuất khẩu từ các nước thành viên TPP khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, thị trường đầu tư dịch vụ mở cửa tự do. Đơn cử như nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chủ yếu gia công sản phẩm cho đối tác, bị lệ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các quốc gia ngoài thành viên TPP... Trong khi hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường các quốc gia thành viên đòi hỏi phải chứng minh xuất xứ nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia thành viên TPP...

Theo ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi: “Việc gia nhập TPP sẽ mở ra cho doanh nghiệp Quảng Ngãi một cơ hội rất lớn, nhưng cũng không kém phần thách thức. Tôi cho rằng, dù có khó khăn, thách thức nhưng đây vẫn là cơ hội tốt, là bước chạy đà quan trọng để đến năm 2018 nền kinh tế sẽ mở cửa tự do. Lúc đó chúng ta sẽ không bị choáng ngợp, mà trái lại sẽ tự tin hơn khi phải cạnh tranh cùng lúc nhiều đối thủ ngay trên sân nhà và thị trường các nước”.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.