Bình Sơn: Nỗi lo vụ tôm đầu năm

04:03, 08/03/2012
.

(QNg)- Những năm trước đây, con tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân các xã ven biển huyện Bình Sơn. Thế nhưng hai, ba năm nay người nuôi tôm luôn bị thua lỗ, thất bát do tôm bị dịch bệnh gây hại. Bước vào vụ tôm mới đầu năm 2012, nhiều nỗi lo âu lại ập về…

TIN LIÊN QUAN


Anh Vũ Quang Vinh, ở xã Bình Đông trăn trở: "Mấy năm trước tôi hùn vốn với một số anh em ở xã Bình Chánh đầu tư nuôi tôm, mỗi vụ  kiếm được 50 đến 60 triệu đồng. Năm 2011, ngoài hồ nuôi của gia đình, tôi còn thuê thêm ao hồ của một số hộ bỏ hoang tại đồng Đá Bia để nuôi. Cứ nghĩ sẽ kiếm ăn được, ai ngờ vụ nào cũng nuôi được hơn 1 tháng là tôm bị dịch bệnh, chết mỗi ngày một nhiều nên phải thu hoạch non để bán. Số tiền bán tôm chưa đến 50 triệu đồng, trong khi đó tiền mua con giống và thức ăn lên đến gần 300 triệu đồng...".

Thu hoạch tôm ở đồng Đá Bia, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Thu hoạch tôm ở đồng Đá Bia, xã Bình Chánh (Bình Sơn).


Anh Vinh còn cho biết, sợ nguồn nước bị nhiễm phèn nên trước khi thả nuôi đã lót bạt ni lông, xử lý hồ cẩn thận; đồng thời tuân thủ theo lịch thời vụ của ngành chức năng hướng dẫn vậy mà tôm vẫn bị dịch bệnh. Chính vì vậy nhiều người dân trong vùng ví nghề nuôi tôm như chơi trò đỏ đen, mau làm giàu nhưng rồi trắng tay chẳng mấy chốc. Vụ tôm đầu 2012 này, gia đình anh chưa thả giống sớm và nếu nuôi cũng chỉ bằng 50% diện tích năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Bình Chánh cũng cho biết: Đã đến thời điểm bắt đầu thả nuôi tôm vụ 1 năm 2012 nhưng cánh đồng Đá Bia vẫn đìu hiu. Nhiều hộ nuôi chưa thực hiện dọn dẹp vệ sinh, xử lý ao hồ. Toàn xã có 31,5 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng; trong đó tại HTX nuôi tôm đồng Đá Bia có 22,5 ha. Hai năm qua diện tích nuôi tôm ngày càng bị thu hẹp do dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, nhiều hộ bị thua lỗ nên không dám đầu tư cho vụ tiếp theo.  

Theo ông Hưng, ngoài yếu tố dịch bệnh, năm nay giá cả con giống và thức ăn cho tôm đều tăng cao từ 20% đến 30% so với các năm trước. Hiện tại giá tôm giống dao động từ 80 đến 100 đồng/con, tăng 20% so với năm ngoái. Nếu tỷ lệ thả nuôi từ 70 con đến 80 con/m2 thì 500m2  phải mất từ 3,5 đến 4 triệu đồng để mua con giống.

Ông Phù Trung Anh, Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Sơn cũng nhận định: Vài năm trở lại đây do bị thua lỗ nên người nuôi tôm ở huyện ít mặn mà với vật nuôi thuỷ sản này. Vì thế diện tích nuôi tôm ở huyện ngày càng bị thu hẹp; một phần do bị dịch bệnh, hộ nuôi thiếu nguồn vốn để đầu tư, phần khác hồ nuôi ở các xã Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận nằm trong vùng quy hoạch Khu Kinh tế Dung Quất đã bị thu hồi để san lấp mặt bằng.

Điển hình như Bình Thuận trước đây có gần 14 ha, Bình Thạnh hơn 15 ha nay không còn ha nào nữa. Những năm 2008, 2009, toàn huyện thả nuôi trên 240 ha tôm; trong đó vụ 1 là 156 ha thì đến năm 2011 cả 2 vụ chỉ thả nuôi được 157,5 ha và sản lượng chỉ đạt 314 tấn (bằng 55,2% kế hoạch). Sản lượng thu hoạch cũng giảm theo, qua từng năm. Trong năm 2012 này huyện phấn đấu thả nuôi 180 ha; trong đó vụ tôm đầu nuôi 110 ha. Theo lịch thời vụ tôm thẻ chân trắng bắt đầu thả nuôi từ ngày mùng 2/3 và tôm sú thả nuôi từ 12/3; tuy nhiên hiện nay nhiều hộ vẫn chưa vệ sinh xử lý ao hồ để thả nuôi.

Thời gian gần đây Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn cho hộ nuôi cách thức vệ sinh, xử lý ao hồ; đồng thời cấp 600 kg hoá chất Chlorin để khử khuẩn đề phòng bệnh đốm trắng, đầu vàng và hội chứng Taura.

Để nghề nuôi tôm ở huyện  Bình Sơn khôi phục và phát triển bền vững cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như người nuôi phải có kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản, tuân thủ theo lịch thời vụ và thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật nuôi. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm dịch, nguồn giống đảm bảo chất lượng, có sự hỗ trợ thoả đáng cho người dân về kỹ thuật.          


Bài, ảnh: Nguyên Hương
 


.