Nghề nuôi tôm: Luẩn quẩn chuyện may rủi

02:07, 10/07/2011
.

(QNĐT)- Ở Quảng Ngãi những năm gần đây dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên khiến người nuôi tôm điêu đứng. Cách đây hơn chục năm là thời vàng son của con tôm sú. Nhờ nó mà nhiều người xây nhà, có của ăn của để, nhưng vài năm liên tiếp sau đó, dịch bệnh đã “hớt” mất của người nuôi những thành quả này.
 

Còn năm năm trở lại đây rộ lên con tôm thẻ chân trắng cho năng suất vượt trội, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, điệp khúc dịch bệnh, tôm chết hàng loạt khiến “canh bạc” nuôi tôm của người dân cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, không có lối ra.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến gần 24 héc ta diện tích nuôi tôm chân trắng bị bệnh chết; số lượng con giống bị thiệt hại hàng chục triệu com tôm PL12. Cũng do vậy mà đến nay người nuôi tôm ở nhiều địa phương trong tỉnh không còn mấy mặn mòi với nghề.
 
Người dân Đức Phong (Mộ Đức) cải tạo hồ nuôi tôm bị dịch bệnh để thả nuôi vụ mới.
Người dân Đức Phong (Mộ Đức) cải tạo hồ nuôi tôm bị dịch bệnh để thả nuôi vụ mới.

Như ở xã Đức Phong, một “vựa tôm” lớn của huyện Mộ Đức với 43 ha (khoảng 160 hồ nuôi) nhưng phân nửa trong số này bị bỏ trống.

Còn ở vùng Đồng Đá Bia, xã Bình Chánh (Bình Sơn) dự án nuôi tôm ở đây có diện tích 15,9 ha, trong vụ 1 năm nay chỉ có 4,9ha được thả nuôi tôm, nhưng trong đó có đến 3,7ha bị dịch bệnh, chỉ có 0,7 ha có thu hoạch với sản lượng chỉ 3 tấn. Hiện đang là thời điểm nuôi tôm vụ 2 nhưng cũng chỉ có 5ha được thả nuôi.

Cũng như nhiều vật nuôi khác, có lẽ còn lâu con tôm mới thoát khỏi cảnh dịch bệnh cứ đến hẹn lại lên, đặc biệt khi nghề nuôi tôm phụ thuộc khá nhiều vào môi trường sông nước.

 Tình trạng “xuống cấp” của môi trường nước và ô nhiễm môi trường ở các khu vực nuôi tôm là một nguyên nhân trực tiếp khiến tôm nuôi bị dịch bệnh. Bên cạnh đó mật độ thả tôm thẻ chân trắng quá dày, thả sớm hơn so với lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chức năng; nguồn gốc con giống trong tỉnh và ngoài tỉnh phần lớn chưa qua kiểm dịch là nguyên nhân chủ quan khiến tôm nuôi bị bệnh và chết hàng loạt.

Hầu hết người nuôi tôm hiện nay đều mua tôm giống thẻ chân trắng chưa qua kiểm soát dịch bệnh về thả nuôi. Giống tôm “chợ” này được các trại ươm tôm giống nhập về, ươm nuôi một thời gian ngắn rồi xuất bán cho nông dân. Do giá thành rẻ và sự “hợp tác” của người bán lẫn người mua nên bỏ qua khâu kiểm dịch.

Trong khi đó, ngành chức năng chưa thể kiểm soát nổi chất lượng tôm giống ở các trại ươm vì việc mua bán tôm giống bằng nhiều nẻo đường khác nhau với bất kể thời gian nào (theo nguyên tắc thì kiểm dịch trước khi xuất bán và có giá trị trong 48 tiếng đồng hồ), chi phí kiểm dịch cao, có nhiều trại ươm trong khi máy móc thiếu, lực lượng  mỏng.

Các yếu tố trên chính là nguyên nhân làm cho con tôm vẫn đang luẩn quẩn trong một “canh bạc” may rủi!

Mới đây Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn đã ra công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm và nghêu nuôi. Động thái tích cực của ngành nông nghiệp đối với nghề nuôi tôm này được tỉnh ta hưởng ứng mạnh mẽ.

Hiện UBND tỉnh đã ra công văn gửi Sở NN&PTNT, UBND các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và Lý Sơn khẩn trương tổ chức thực hiện nội dung công điện nói trên.

Tuy nhiên, để nhanh chóng ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh, phục hồi môi trường và tiếp tục mùa vụ nuôi tôm năm 2011, cũng như giúp con tôm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn nói trên, cần phải có sự vào cuộc tích cực của mỗi cấp, mỗi ngành, từng địa phương và bản thân những hộ nuôi tôm.

P.D

.