Tịnh Kỳ: Nuôi đa loài thủy sản trên đồng tôm nhiễm bệnh

08:04, 12/04/2011
.

(QNg)- Trước đây bà con thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở vùng triều. Nhưng do môi trường bị ô nhiễm, con giống mang mầm bệnh, nên thua lỗ kéo dài, dẫn đến nhiều hộ phải bỏ hồ trống. Cách đây 5 năm, người nuôi tôm đã linh hoạt chuyển sang nuôi cá chẽm kết hợp cua, tôm ở diện tích này...  đã có hiệu quả kinh tế khá cao. 

Ông Trần Văn Đông đang chăm sóc cá cho tôi biết: Trên diện tích 3.000m2 hồ nuôi, ông đã thả 3.500 con cá chẽm, đã được 6 tháng tuổi, Cố gắng chăm sóc đến tháng 11 là thu hoạch. Dự kiến thu hoạch mỗi con cũng được 1,2kg. Nếu giá bán được 60.000 đồng/kg thì cầm chắc kiếm được vài chục triệu đồng. Ông Đông đã từng nuôi tôm, nhưng rồi tôm bị dịch bệnh nên thua lỗ kéo dài. Năm 2006 ông mạnh dạn chuyển sang nuôi cá chẽm.
 
Mô hình nuôi cá chẽm kết hợp tôm, cua mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân Tịnh Kỳ.
Mô hình nuôi cá chẽm kết hợp tôm, cua mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân Tịnh Kỳ.

Với nguồn nước ngày trước nuôi tôm thì bị dịch bệnh, nhưng nuôi cá thì cá phát triển tốt. Đồng thời nhờ nguồn thức ăn là cá tạp khá dồi dào, nên cá chẽm chóng lớn. Kết quả  nhiều người trong vùng đồng loạt chuyển hồ nuôi tôm bị dịch bệnh sang nuôi cá chẽm.
 
Tuy vậy trong những năm sau đó chưa tìm được đầu ra, nên giá cá chẽm hạ dài, trong khi nguồn thức ăn cho cá tăng cao, nhiều hộ lo ngại, vội cải tạo lại hồ nuôi tôm thì bị thất bại. Nhưng những hộ dân như ông Đông, ông Dũng, ông Hoàng, ông Rằng... đã nghĩ cách khác. Họ vẫn giữ nguyên hồ nuôi cá chẽm và lên Tịnh Khê mua cua gạch đem về thả nuôi thêm trong hồ, để khi con cá mất giá thì còn có con cua, tôm gỡ gạc.

Chị Võ Thị Định - một hộ nuôi cá chẽm kết hợp nuôi cua phấn khởi cho hay: "Nuôi cá là  "chiến lược lâu dài", còn nuôi cua là để kiếm tiền đi chợ". Trên diện tích 3.000m2 của chị Định ngoài thả cá, chị đã thả hơn 300 con cua gạch, nuôi được 3 tháng tuổi là chị bắt bán dần. Hiện nay mỗi buổi vớt cua bán chị cũng kiếm được từ 50.000 - 200.000 đồng. Cạnh bên hồ chị là hồ của ông Trần Đình Dũng - với diên tích 2.500 m2, ông chia thành 3 hồ nuôi 3 loại thủy sản: cua, tôm, cá. Năm 2010 ông thu lãi gần 100 triệu đồng. Trong vụ nuôi năm nay, ông tiếp tục thả nuôi đa loài thủy sản với kỹ thuật nuôi thâm canh trên cùng diện tích hồ.

Cả cánh đồng tôm gần 10 ha trước đây, nay bà con đã thả nuôi đa loài thủy sản, nên chẳng có hồ bỏ hoang.

Có được nguồn thu khá hấp dẫn từ việc nuôi đa loài thủy sản trên vùng triều ở Tịnh Kỳ thật không đơn giản. Vụ mùa nuôi cá chẽm bắt đầu vào cuối tháng 12 âm lịch, sau những đợt lũ lớn (vào cuối tháng 11) là các hộ dân nơi đây lo cải tạo hồ, đắp bờ rồi vào Nha Trang (Khánh Hòa) mua cá giống về thả nuôi.

Ông Võ Thọ nói: "Con cá chỉ bằng đầu tăm tre.  Sau khi mua về, người nuôi phải ươm thêm tháng tuổi, mới thả vào hồ". Thời gian này người nuôi cá phải tốn nhiều công chăm sóc. Vừa theo dõi sự phát triển của cá, vừa xay cá tạp (thức ăn của cá chẽm) cho thật nhuyễn rồi trộn với cám, rải cho cá ăn. Khi thấy nước trong hồ chuyển màu thì phải lo sục khí. Bởi tuy loài cá chẽm có sức đề kháng tốt, nhưng chăm không kỹ là cá mắc bệnh đỏ thân, đỏ kỳ, tróc vẩy, nên chậm lớn.

Ông Trần Đình Dũng - người nuôi tôm, cá lâu năm ở vùng triều An Kỳ, tiết lộ: "Nuôi kết hợp đa loài thủy sản cùng một lúc có hai cái lợi, trước tiên là nếu loài này thất thu thì còn thu loại khác; đồng thời sẽ hạn chế được dịch bệnh như, nếu nuôi cá và cua cùng một hồ thì thức ăn thừa của cá lại làm mồi cho cua". Bây giờ thì ông nuôi 3 hồ cá, tôm, cua cạnh nhau. Hồ giữa ông nuôi tôm, hai hồ ở hai bên ông nuôi cá, để  mỗi khi thay nước là ông lấy nguồn nước từ nuôi cá qua hồ tôm cho tiện. Bởi, cá đã làm sạch được nguồn nước, nên tôm ít bị dịch bệnh. Với cách nuôi này mà nhiều năm qua tôm, cua, cá của ông đều đạt hiệu quả.

Qua cách nuôi cá, cua trên đồng tôm nhiễm bệnh của người dân  Tịnh Kỳ, đã mở ra hướng mới cho những người nuôi tôm vùng triều trong tỉnh. Đề nghị khuyến ngư Quảng Ngãi nên nhân rộng các mô hình nuôi các loài thủy sản trên những vùng triều nuôi tôm bị nhiễm bệnh, trên cơ sở tập huấn và tổ chức những mô hình cho người dân tham quan, học tập kinh nghiệm; đồng thời liên hệ với các tổ chức bao tiêu sản phẩm đầu ra để việc nuôi trồng của bà con ổn định.      
   
MH

.