Quảng Ngãi: Nỗi lo trước mùa tôm mới

06:12, 15/12/2011
.

(QNg)- Năm 2011, người nuôi tôm Quảng Ngãi đối mặt với nạn dịch bệnh hoành hành trên các đồng tôm. Nhiều người nợ nần phải bỏ hồ tôm đi làm thuê. Mùa tôm mới sắp bắt đầu, người nuôi tôm lại đối diện với bao nỗi âu  lo.   

TIN LIÊN QUAN


 Xã Phổ Quang (Đức Phổ) có gần 62ha hồ nuôi tôm. Với diện tích này đã một thời làm "dậy sóng" cả vùng vì ai cũng trúng đậm. Thế nhưng, cuối mùa thu hoạch tôm năm nay, các đồng tôm vùng triều Phổ Quang vẫn... "im hơi bặt tiếng". Hỏi chuyện về sản lượng tôm bà con thu hoạch năm qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang lắc đầu ái ngại: Sản lượng vẫn đạt 650 tấn (80% so với kế hoạch), thu về 37 tỷ đồng. Con số này chẳng đem về lợi nhuận cho 131 hộ nuôi bao nhiêu. Bởi, tôm dịch bệnh liên tục, hộ nuôi phải cải tạo hồ rồi thả tôm nuôi lại rất nhiều lần. Chi phí cao, cộng công chăm sóc lớn nên bà con chẳng vui, nhưng xã chưa có cách giải quyết để việc nuôi tôm của bà con đạt hiệu quả kinh tế như những năm trước.

Kiểm tra nguồn nước dưới đáy ao.
Kiểm tra nguồn nước dưới đáy ao.


Về các đồng tôm Đức Phong, Đức Minh (Mộ Đức), Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Tịnh Hòa (Sơn Tịnh), Bình Chánh (Bình Sơn), nghề  nuôi tôm của bà con năm 2011 chẳng mấy sáng sủa. Các loại dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy đã "tấn công" tôm. Người nuôi tôm “gồng mình” chống chọi. Nhiều hộ  nợ nần nên đành bỏ hồ hoang. Cứ thế, diện tích hồ nuôi tôm ngày càng thu hẹp, còn duy trì nuôi thì sản lượng đạt không cao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích nuôi tôm cứ giảm dần hàng năm. Nếu như năm 2008, diện tích nuôi gần 760 ha, thì năm 2009 giảm xuống còn 650 ha, năm 2010 còn 639 ha và năm 2011 chỉ còn hơn 600 ha. Sản lượng theo đó cũng giảm đáng kể, nếu năm 2009 đạt gần 6.800 tấn, thì năm 2010 giảm xuống còn 6.500 tấn, 2011 còn hơn 6.000 tấn. Riêng diện tích nuôi và sản lượng tôm sú giảm đáng kể. Năm 2009, sản lượng tôm sú giảm hơn 83% so với năm 2008. Năm 2010 diện tích nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh chỉ còn 13 ha và sản lượng cả năm chỉ đạt 10 tấn. Đến năm 2011 chỉ còn 3 ha, sản lượng cả năm chỉ đạt 5 tấn. Diện tích nuôi tôm sú dần mất đi ở những vùng triều trong tỉnh. Cả trăm ha nuôi tôm sú vùng triều xã Tịnh Hòa đã bỏ hoang hóa nhiều năm qua. Không chỉ Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) mà hầu hết các vùng triều nuôi tôm sú trước đây tại các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa đã bỏ hoang. Nhiều hộ nuôi tôm đành tha phương tìm kế khác sinh sống.

Một điều đáng nói là con tôm giống hầu hết bà con thả nuôi chưa qua kiểm dịch. Bởi, lượng giống sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng 15 - 20% so với nhu cầu. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh giống vì lợi nhuận mà không chú trọng đến chất lượng con giống. Lực lượng cán bộ kiểm tra còn quá mỏng trong khi địa bàn quản lý rộng nên không thể kiểm tra, kiểm soát hết số lượng con giống đưa vào nuôi, nhất là nguồn giống từ ngoài tỉnh nhập vào. Việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các hồ nuôi có tôm bị bệnh chưa tốt, mầm bệnh còn tồn đọng trong ao nuôi, làm cho bệnh tôm tái phát nhiều lần trên cùng một diện tích. Vì vậy cứ hết đợt dịch lần này, thì người nuôi tiếp tục thả nuôi lại đợt tiếp, không kịp thời cải tạo hồ nuôi dẫn đến dịch bệnh liên tiếp hết vụ gối vụ.

Mùa nuôi tôm năm 2012 sắp bắt đầu, nhiều hồ nuôi tôm mang mầm bệnh khá nhiều. Để mùa nuôi tôm năm đến khả quan hơn, người nuôi tôm cần thực hiện các biện pháp: Không dùng thuốc diệt giáp xác, cá tạp, ốc, rong, tảo trong ao nuôi bằng thuốc trừ sâu, hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV; không xả nước, bùn trong ao nuôi trực tiếp ra ngoài khi chưa được xử lý; không thả nuôi tôm giống không có nguồn gốc xuất xứ...; đồng thời phải áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP).

Ngành nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật nuôi. Các hộ nuôi tôm cần nâng cao ý thức chấp hành lịch thời vụ, khử trùng tiêu độc khi ao nuôi có tôm bị dịch bệnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp nên tiếp tục xây dựng các mô hình, đa dạng đối tượng nuôi ở các loại hình (ngọt, lợ, mặn); mở các lớp tập huấn cho cán bộ thủy sản cấp huyện, cán bộ quản lý hợp tác xã và người nuôi thủy sản về kỹ thuật, về kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, kinh doanh thức ăn, dịch vụ thú y thủy sản, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản. Có vậy mới hy vọng vụ nuôi năm 2012 mới hạn chế thất bát.


Bài, ảnh: MAI HẠ


.