Tư Nghĩa: Chú trọng phát triển kinh tế biển

09:02, 24/02/2012
.

(QNg)- Tư Nghĩa có 6 km bờ biển, thông qua các cửa biển là Cửa Đại, Cửa Lở, với ngư trường khai thác rộng, nguồn thủy sản đa dạng, phong phú về chủng loại, có nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá ngừ, cá thu, tôm, mực... Đó là thế mạnh trong phát triển kinh tế biển của huyện Tư Nghĩa. Cùng với đánh bắt thủy sản, 4 xã khu đông cũng phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản.

TIN LIÊN QUAN


Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tư Nghĩa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác toàn diện, hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, huy động mọi nguồn lực để đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhờ vậy, hoạt động khai thác thủy sản đã có bước tăng trưởng về số lượng và chất lượng. Huyện đã từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng giảm phương tiện khai thác gần bờ, loại bỏ dần các phương tiện nhỏ, lạc hậu, đầu tư trang thiết bị đánh bắt mới hiện đại, công suất lớn, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, góp phần nâng cao sản lượng,  chất lượng hải sản khai thác.

Phương tiện khai thác hải sản của ngư dân Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa).
Phương tiện khai thác hải sản của ngư dân Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa).


Hiện toàn huyện có 1.160 tàu thuyền tham gia khai thác hải sản, với tổng công suất 220 nghìn CV. Trong đó có 610 tàu thuyền có công suất 90 CV trở lên. Đây là đội tàu có đủ điều kiện bám biển dài ngày để khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong năm 2011, ngư dân toàn huyện khai thác được 45.500 tấn hải sản các loại (101% so kế hoạch), tăng 13,7% so với năm 2010. Cũng trong năm 2011, huyện Tư Nghĩa đã thành lập được 31 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển của 215 tàu, 1.985 lao động. Đây thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khi tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển xa. Về nuôi trồng thủy sản, trong năm, các hộ dân ở các xã khu đông đã thả nuôi gần 257 ha tôm thẻ chân trắng. Sản lượng thu được ước đạt 479 tấn.

 Tuy nhiên, hiện nay ngành  kinh tế mũi nhọn này của huyện Tư Nghĩa đang phải đối mặt với không ít khó khăn như xăng, dầu tăng giá. Bên cạnh đó, việc khai thác hải sản của ngư dân chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào  khai thác còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao,  thời tiết và diễn biến trên biển Đông phức tạp, khó lường…

Không chỉ khai thác hải sản mà ngành nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản của huyện cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, hạn chế. Do đó trong thời gian tới, huyện Tư Nghĩa có kế hoạch chỉ đạo các xã biển và ven biển chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền theo hướng nâng cao công suất, trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị phục vụ khai thác, đánh bắt xa bờ; hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác trong khai thác hải sản như hợp tác xã đánh bắt, tổ ngư dân đoàn kết đánh bắt trên biển. Cùng với đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển nuôi trồng thủy sản, chú trọng đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng và một số loại thủy sản như cá chình, cá bống tượng, cá chẽm, cua...

Được biết, trong năm 2012, huyện Tư Nghĩa phấn đấu nâng tổng số tàu thuyền của toàn huyện lên 1.200 chiếc, tổng công suất 230 nghìn CV. Trong đó, tàu từ 90CV trở lên là 650 chiếc, với tổng công suất 213 nghìn CV. Phấn đấu sản lượng khai thác đạt 50 nghìn tấn. Cũng trong năm 2012, huyện Tư Nghĩa có kế hoạch thành lập thêm 60 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, kết nạp 300 tổ viên. Trên cơ sở thành lập các tổ đoàn kết sẽ tiến đến việc hình thành các tổ chức hội nghề cá, hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản.

Đối với nuôi trồng thủy sản, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân dân nạo vét, tu sửa và vệ sinh ao hồ, thực hiện tốt việc chọn con giống, tuân thủ lịch thời vụ để phấn đấu thả nuôi hết 170 ha diện tích tôm thẻ chân trắng, phấn đấu sản lượng đạt trên 1.000 tấn.

Với nền tảng vững chắc cùng định hướng phát triển cụ thể, hy vọng trong tương lai không xa, kinh tế biển sẽ đưa huyện Tư Nghĩa trở thành một trong những địa phương giàu có, vững mạnh của tỉnh.


Đan Tâm

 


.